Việt Nam vừa bước qua tháng 6, qua nửa đầu năm 2023 và cũng đã hoàn thành nửa đầu chặng đường của Đại hội XIII của Đảng. Đây là một giai đoạn đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và nặng nề hơn so với dự báo cũng như so với những nhiệm kỳ gần đây.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, nhờ sự nỗ lực bền bỉ, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo và lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Trong đó, riêng trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trong nước GDP tăng 3,72%. Mức tăng này chưa đạt được như mong đợi, nhưng nền kinh tế của Việt Nam đã có những dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến tích cực.
Tiêu dùng nội địa là điểm duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt trong suốt thời gian qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Cầu tăng là động lực cho nền kinh tế, thị trường nội địa là điểm tựa cho doanh nghiệp trong những lúc thị trường bên ngoài có biến động.
Tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục là trụ cột phát triển kinh tế, góp phần phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19. Người tiêu dùng cũng rất hào hứng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. Nhiều chỉ số sau quãng thời gian dài giảm, đến những tháng cuối quý II đã ghi nhận mức tăng tuy không nhiều nhưng cũng cho thấy sự chuyển biến không nhỏ.
Quý II, các chỉ tiêu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tích cực hơn so với quý I khi cả hệ thống chính trị vào cuộc tháo gỡ khó khăn từ nhỏ cho đến những vướng mắc lớn.
Khó khăn chung đã khiến kinh tế Việt Nam chưa như kỳ vọng, nhưng về căn bản sự ổn định kinh tế vĩ mô và nỗ lực gỡ khó cũng đã giữ được các nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan vào kinh tế Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, đã có hơn 7.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6. Đây là mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy tình hình doanh nghiệp cũng đã có những chuyển biến nhất định.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động và bất ổn, quý II vừa qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 4,14%, đưa tăng trưởng của 6 tháng đầu năm đạt 3,72%.
Chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho chúng ta thấy một cái bức tranh tăng trưởng của quý II cũng như 6 tháng đầu năm tăng trưởng không cao và không đạt được như kỳ vọng mà chúng ta mong muốn. Nếu năm 2022, chúng ta đạt một mức tăng trưởng ấn tượng 8,02%, cao nhất kể từ năm 2011, cao nhất trong vòng 12 năm qua. Sang đến quý I, chúng ta chỉ tăng trưởng ở mức là 3,32%, đến quý II, chúng ta tăng 4,14%. Mức tăng trưởng của quý II, tính trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2023, chỉ cao hơn cái quý II của năm 2020 - thời gian dịch COVIDd-19 và chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn. hiện nay, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP đã gần gấp đôi. Khi nền kinh tế có độ mở lớn như vậy thì chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng rất là nhanh khi nền kinh tế của thế giới có biến động.
Tăng trưởng quý II năm nay của Việt Nam cao hơn so với quý I và bình quân 6 tháng năm nay, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 3,72% là một kết quả đáng khích lệ, thể hiện được sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Trong khi nền kinh tế Việt Nam có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, nên chịu tác động mạnh bởi diễn biến tình hình thế giới, khi có nhiều khó khăn, thách thức hơn thời cơ, thuận lợi. Đứng trước khó khăn như vậy, nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn đã được nỗ lực triển khai. Dù đã có những dấu hiệu chuyển biến, nhưng cũng phải nhìn nhận những dấu hiệu này chưa thực sự mạnh mẽ. Dự báo thời gian tới, những thách thức còn nhiều, bởi kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến số sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước.
Sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp cũng là thách thức trước mắt. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng các biện pháp tài chính, tài khóa đã được đưa ra, nhưng giảm được độ trễ trong thực hiện chính sách là thách thức không nhỏ để chính sách nhanh chóng phát huy được hiệu quả.
Mặc dù giảm thuế VAT 2% có thể giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, nhưng để duy trì tăng trưởng kinh tế, cần phải áp dụng nhiều biện pháp hơn. Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất điều hành để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên trong những tháng tiếp theo, cần theo dõi tác động và áp lực có thể phát sinh đối với dòng vốn và tỷ giá hối đoái do khoảng cách ngày càng tăng giữa lãi suất ở Việt Nam và ở nước ngoài.
Đồng thời, để tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, kiến tạo đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất kinh doanh, cần cải thiện môi trường đầu tư và giảm thiểu thủ tục hành chính.
Ngoài ra, việc giải ngân đầu tư công cần được đẩy nhanh và kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công để tạo động lực cho tăng trưởng. Đây là những chìa khóa quan trọng để tìm kiếm cơ hội cho tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm nay.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5%, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thử thách không nhỏ khi phải đạt con số tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm là 9%.
Tuy nhiên, những khó khăn vừa qua cũng đã giúp chúng ta rút ra những bài học quý giá để vượt qua thử thách. Điều này bao gồm giữ bản lĩnh vững vàng trong mọi tình huống, tăng cường kỷ luật và kỷ cương hành chính, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp và hiệu quả. Theo lời nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính, quan điểm chỉ đạo và điều hành phải nhất quán theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Hoàn thành chỉ tiêu của 6 tháng còn lại không chỉ có ý nghĩa để hoàn thành mục tiêu cả năm, mà còn có ý nghĩa cho nửa nhiệm kỳ còn lại. Chúng ta đã vượt qua nửa chặng đường đầu, nhưng nửa chặng đã qua đầy chông gai và thử thách, yêu cầu chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để tăng tốc và đạt mục tiêu đề ra.
Bảo An