Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 4/2021 xuất khẩu chè đạt 10.850 tấn, trị giá 17,5 triệu USD, tăng 10,5% về lượng và tăng 6,6% về trị giá so với tháng 4/2020.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, ngoài Pakistan, thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất, tăng cả lượng và giá trị, thì xuất khẩu chè tới thị trường Trung Quốc, Ấn Độ cũng tăng rất mạnh.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 36.900 tấn, trị giá 58,85 triệu USD, tăng 1,2% về lượng và tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 4/2021 giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.611,7 USD/tấn, giảm 3,6% so với tháng 4/2020. Nhưng tính chung trong 4 tháng đầu năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.595,6 USD/tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu chè tháng 4 tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường tăng mạnh
Xuất khẩu chè tới thị trường Pakistan chiếm tỷ trọng cao nhất trong 4 tháng đầu năm 2021, đạt 10.340 tấn, trị giá 19,6 triệu USD, tăng 12,4% về lượng và tăng 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè tới thị trường Trung Quốc, Ấn Độ tăng rất mạnh. Cụ thể, xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 3.500 tấn, trị giá 5,3 triệu USD, tăng 175,2% về lượng và tăng gần 152% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu chè tới thị trường Ấn Độ đạt 805 tấn, trị giá 1 triệu USD, tăng 1.157,8% về lượng và tăng 1.091,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Nhu cầu tiêu thụ chè tại các thị trường này tăng mạnh, nhưng nguồn cung hạn chế do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đặc biệt là thị trường Ấn Độ, tuy là thị trường xuất khẩu chè lớn trên thế giới, song do chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 nên Ấn Độ đã tăng nhập khẩu chè từ Việt Nam để tiêu thụ và tái xuất khẩu. Cũng bởi ảnh hưởng dịch COVID-19 và lệnh giãn cách xã hội nên khu vực trồng chè chính của Ấn Độ không có lao động thu hái.
Bên cạnh đó, theo Hội đồng chè Ấn Độ, thu hoạch chè của Ấn Độ đang gặp khó khăn do thời tiết hạn hán khắc nghiệt đang diễn ra tại nhiều đồn điền chè của Ấn Độ. Ít nhất 90 vườn chè ở Assam - khu vực sản xuất chè lớn của Ấn Độ đã ngừng hoạt động bởi lệnh giãn cách, nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, tránh lây lan sang thêm 800 đồn điền của khu vực này. Theo các nhà sản xuất chè của Ấn Độ, nếu tình hình dịch khó kiểm soát sẽ dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh mạnh làm đình trệ mùa thu hoạch và đẩy chi phí tăng cao.
Hoạt động xuất nhập khẩu dự báo có nhiều khởi sắc
Theo Bộ Công thương, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu…sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm… Do đó, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Hồng Anh