Vượt khó qua Covid 19, xuất khẩu chè sang Đức tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm

Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 17 cho Đức trong hai tháng đầu năm 2021, đạt 46 tấn, trị giá 158.000 Eur (tương đương 193.000 USD), tăng 91,2% về lượng và tăng 59,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đức tăng hơn 91% lượng chè nhập khẩu từ Việt Nam

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết nhập khẩu chè của Đức trong tháng 2/2021 đạt 6.640 tấn, trị giá 28,8 triệu Eur (tương đương 35,1 triệu USD), tăng 0,1% về lượng và tăng 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Giá chè nhập khẩu bình quân trong hai tháng đầu năm 2021 đạt 4.334,0 Eur/tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.

Đức nhập khẩu mặt hàng chè qua các tháng năm 2020 - 2021 (ĐVT: Nghìn tấn). (Nguồn: Eurostat/Bộ Công Thương).
Đức nhập khẩu mặt hàng chè qua các tháng năm 2020 - 2021 (ĐVT: Nghìn tấn). (Nguồn: Eurostat/Bộ Công Thương).

Ấn Độ là thị trường cung cấp chè lớn nhất cho Đức trong hai tháng đầu năm 2021, với lượng chiếm 25,9% tổng lượng chè nhập khẩu của Đức. Chè nhập khẩu từ Ấn Độ hầu hết là các loại chè chất lượng cao.

Tiếp theo là các thị trường như Trung Quốc, Hà Lan, Sri Landka…Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 17 cho Đức trong hai tháng đầu năm 2021, đạt 46 tấn, trị giá 158.000 Eur (tương đương 193.000 USD), tăng 91,2% về lượng và tăng 59,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam chỉ chiếm 0,7% tổng lượng chè Đức nhập khẩu trong hai tháng đầu năm 2021.

Vượt khó qua Covid 19, xuất khẩu chè sang Đức tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm  - Ảnh 1

Về chủng loại, chè đen là loại chè phổ biến nhất ở Đức vì vậy lượng nhập khẩu chè này chiếm tỷ trọng cao trong cấu mặt hàng chè. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Đức đang có xu hướng tăng nhập khẩu mặt hàng chè xanh.

Hai tháng đầu năm 2021, trong khi nhập khẩu chè đen giảm cả về lượng và trị giá, thì Đức lại tăng nhập khẩu mặt hàng chè xanh, đạt 2.000 tấn, trị giá 9,7 triệu Eur (tương đương 11,8 triệu USD), tăng 21,7% về lượng và tăng 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đức tăng mạnh nhập khẩu chè xanh từ thị trường Ấn Độ, trong hai tháng đầu năm 2021 đạt 235 tấn, trị giá 1,06 triệu Eur (tương đương 1,29 triệu USD), tăng hơn 110% về lượng và tăng gần 90% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Còn nhiều cơ hội để xuất khẩu chè sang thị trường Đức

Mặc dù là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, nhưng đa phần chè Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường dễ tính, chưa có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ... 

Bên cạnh đó, dù là một trong những các quốc gia hàng đầu có sản phẩm chè xanh và chè đen xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, tuy nhiên thị phần chè Việt Nam tại thị trường này còn rất hạn chế, sản lượng xuất khẩu chưa cao. Chính vì vậy đến nay, so với các nước xuất khẩu chè khác vào thị trường Châu Âu, chè Việt Nam còn đứng ở vị trí khiêm tốn.  

Hiện nay, mặt hàng chè được người dân EU rất ưa chuộng do nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Theo Hiệp hội chè quốc tế (ITC), Đức là nước tiêu thụ chè lớn thứ ba EU, sau Anh và Ba Lan. Xuất khẩu chè của Việt Nam sang Đức đang có dấu hiệu tăng trưởng. Bên cạnh đó, quốc gia xuất khẩu chè lớn như Ấn Độ vẫn đang trong tình trạng kiểm soát dịch bệnh nên bị hạn chế các hoạt động thu hoạch, trồng trọt… làm ảnh hưởng đến sản lượng chè. Vì vậy, còn rất nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu chè Việt Nam sang thị trường Đức. 

Tuy nhiên, để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính này đòi hỏi chất lượng chè của Việt Nam cần cao hơn, đáp ứng đủ tiêu chuẩn của các nước. Người tiêu dùng tại thị trường cần những sản phẩm thương hiệu gắn với chất lượng chứ không quan tâm đến giá cả.

Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả cao hơn trong xuất khẩu mặt hàng chè, doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng hơn về nâng cao chất lượng trà, cần đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn; phân khúc sản phẩm trà, từ đó gắn với chọn giống và chế biến trà; chú ý phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm mới, nhưng đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng sản phầm trà truyền thống. Xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn bởi những quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng chè xuất khẩu, nhất là tại một số thị trường khó tính.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Hồng Anh