Trên địa bàn huyện Na Hang (Tuyên Quang) hiện có 1.146 ha diện tích chè Shan tuyết, tập trung ở các xã Sinh Long, Hồng Thái, Khau Tinh, Thượng Nông, Thượng Giáp, Sơn Phú.
Được biết, toàn bộ diện tích chè Shan được trồng theo Chương trình 327 và Dự án 661 của huyện đều đã cho thu hoạch. Do đó, ngoài việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng chè đặc sản, huyện tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư xưởng chế biến, thu mua chè búp tươi cho người dân. Huyện Na Hang còn triển khai, sử dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để phát triển, khuyến khích nâng cao hiệu quả từ sản xuất, chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm chè.
Na Hang mang đặc trưng của một huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, địa hình bị chia cắt mạnh có nhiều núi cao hiểm trở và nhiều thung lũng. Các xã trồng chè Shan tuyết nằm ở độ cao lớn, trong đó, xã Hồng Thái có điểm cao nhất trên 1.200 m, nhờ vậy, hàm lượng tanin và chất hòa tan trong chè Shan tuyết Na Hang cao. Hay nói cách khác, tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang là nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu được đánh giá là phù hợp với cây chè Shan tuyết.
Bên cạnh đó, do ở độ cao lớn nên huyện Na Hang có khí hậu mát mẻ quanh năm, độ ẩm không khí trung bình năm 85%, biên độ nhiệt độ ngày đêm lớn (từ 10-15 độ C). Sự chênh lệch này là một trong những điều kiện thuận lợi để cây chè Shan tuyết trao đổi chất, tích lũy dưỡng chất tạo ra hương vị riêng.
Những cây chè ở vùng chè Shan tuyết, ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang mọc tự nhiên, hoặc được người dân tộc trồng theo phương thức quảng canh. Nhiều xã có những cây chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm. Chè Shan tuyết có vị thơm sâu đặc trưng, đậm đà, đặc biệt là vị ngọt hậu khác với chè trung du.
Toàn huyện hiện có công ty TNHH Việt Dũng, Công ty cổ phần Chè núi Kia Tăng, 3 Hợp tác xã, 2 tổ hợp tác và 15 hộ dân đầu tư vào chế biến, sản xuất chè. Vùng nguyên liệu chè phục vụ cho các cơ sở chế biến đạt trên 300 ha. Các công ty, HTX, tổ hợp tác vẫn đang hoạt động có hiệu quả, giá nguyên liệu chè búp tươi bình quân trên địa bàn huyện là 20 - 30 nghìn đồng/kg, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình trồng chè. Hiện nay chính sách phát triển cây chè đặc sản trên địa bàn huyện đã được quan tâm nhiều hơn, khuyến khích nhân dân tham gia trồng, chế biến sản phẩm chè theo đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, thu nhập cho hộ gia đình.
Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái là điển hình. Năm 2019, Hợp tác xã Sơn Trà đã thu mua chè nguyên liệu của các thành viên trong Hợp hợp tác xã và người dân để chế biến, bán ra thị trường gần 10 tấn chè thành phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng.
Năm 2020, Hợp tác xã Sơn Trà phấn đấu bán ra thị trường 12 đến 15 tấn chè Shan tuyết thành phẩm, doanh thu đạt 4 đến 5 tỷ đồng.
Sản phẩm chè shan tuyết Na Hang đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhờ đó, cây chè shan từ cây rừng hoang nay đã cho người dân ở Hồng Thái thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/ha/năm, trở thành một trong những sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.
Mới đây, chè Shan tuyết Na Hang của tỉnh Tuyên Quang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ hai của tỉnh Tuyên Quang được bảo hộ sau chỉ dẫn địa lý cam sành “Hàm Yên”. UBND huyện Na Hang là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Khu vực địa lý được bảo hộ là các xã: Sinh Long, Thượng Giáp, Thượng Nông, Hồng Thái, Khâu Tinh, Sơn Phú thuộc huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Những yếu tố tự nhiên và kinh nghiệm có được của người dân trồng chè Shan tuyết đã tạo nên sản phẩm có chất lượng, là niềm tự hào của người dân Na Hang nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung. Tuy nhiên để khai thác giá trị gia tăng mà chỉ dẫn đại lý chè Shan tuyết Na Hang đem lại, cơ quan quản lý, cụ thể là UBND huyện Na Hang và bà con trồng chè cần đồng lòng xây dựng, duy trì và phát triển “thương hiệu”, mang giá trị chè Shan tuyết Na Hang đến với thế giới.
Trước tình hình khó khăn của thị trường do tác động của dịch Covid -19 gây ra, UBND tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh phát triển ngành chè, chú ý xây dựng thương hiệu, tiêu biểu như thương hiệu chè Shan tuyết Na Hang để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần vượt khó qua đại dịch.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Tạ Thành