Xuất khẩu chè tháng 10/2021 giảm về lượng nhưng tăng về trị giá

Mặc dù lượng chè xuất khẩu trong tháng 10/2021 giảm, nhưng trị giá xuất khẩu vẫn tăng do giá chè xuất khẩu bình quân tăng so với tháng 10/2020.

Xuất khẩu chè Việt Nam tháng 10/2021: giảm về lượng nhưng tăng về trị giá

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 10/2021 đạt 13,2 nghìn tấn, trị giá 23,1 triệu USD, giảm 3,1% về lượng nhưng tăng 0,4% về trị giá so với tháng 10/2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 10/2021 đạt 1.750,1 USD/tấn, tăng 3,6% so với tháng 10/2020. Trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu chè đạt 104,8 nghìn tấn, trị giá 176,4 triệu USD, giảm 6,2% về lượng và giảm 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong 10 tháng năm 2021, đạt 1.683,4 USD/tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 10/2021 hoạt động sản xuất đãbình thường trở lại, vì vậy lượng và trị giá xuất khẩu chè đã được cải thiện. Hai tháng cuối năm 2021 là thời điểm để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng chè nhờ nhu cầu tăng cao tại nhiều thị trường khi mùa lễ tết đang đến gần. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu chè cần nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu chè vào tháng cuối năm 2021.

Xuất khẩu chè tháng 10/2021 giảm về lượng nhưng tăng về trị giá - Ảnh 1

Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu chè chủ yếu tới thị trường Pa-ki-xtan, thị trường Đài Loan và Nga, lượng xuất khẩu tới 3 thị trường này chiếm 57,6% tổng lượng chè xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu chè tới thị trường Pa-ki-xtan dẫn đầu đạt 34 nghìn tấn, trị giá 67 triệu USD, giảm 2,2% về lượng nhưng tăng 0,9% về trị giá do giá xuất khẩu chè bình quân tới thị trường Pa-ki-xtan tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là thị trường Đài Loan, lượng và trị giá xuất khẩu chè sang thị trường này tăng, mặc dù giá chè xuất khẩu bình quân giảm, đạt 15,6 nghìn tấn, trị giá 23,9 triệu USD, tăng 10% về lượng và tăng 8,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, chè xuất khẩu tới một số thị trường tăng rất mạnh trong 10 tháng năm 2021, cụ thể: Trung Quốc đạt 8,3 nghìn tấn, trị giá 13,1 triệu USD, tăng 22,1% về lượng và tăng 33% về trị giá; Hoa Kỳ đạt 5,4 nghìn tấn, trị giá 7,4 triệu USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 30,6% về trị giá; I-rắc đạt 5,3 nghìn tấn, trị giá 8 triệu USD, tăng 67,8% về lượng và tăng 79,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù xuất khẩu chè tăng mạnh tới 3 thị trường này, nhưng lượng xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nên không bù đắp được mức giảm từ các thị trường khác, nên xuất khẩu chè vẫn giảm cả về lượng và trị giá trong 10 tháng năm 2021.

Xuất khẩu chè tháng 10/2021 giảm về lượng nhưng tăng về trị giá - Ảnh 2

Sản lượng chè xuất khẩu của Ấn Độ trong năm 2021 giảm

Ấn Độ: Theo nguồn thehindubusinessline. com, sản lượng chè xuất khẩu của Ấn Độ trong năm 2021 có thể sẽ giảm khoảng 8% đến 10% so với năm 2020. Xuất khẩu giảm chủ yếu do giá chè CTC (nghiền, xé và cuộn) của Ấn Độ cao và giá cước vận chuyển tăng mạnh.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè của Ấn Độ đạt 118,84 nghìn tấn, 437 triệu USD, giảm 12% về lượng, nhưng tăng 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020 nhờ đơn giá xuất khẩu chè bình quân đạt 3,68 USD/kg, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu chè đang giảm mặc dù sản lượng chè CTC và chè chính thống năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu chè CTC có thể sẽ giảm 5% đến 10% trong năm 2021. Giá chè CTC đang cao hơn và điều này đang ảnh hưởng đến xuất khẩu. Giá cước vận tải đã tăng mạnh và sự thiếu hụt container cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh. Chè CTC chiếm gần 60% tổng lượng chè xuất khẩu của Ấn Độ, vì vậy bất kỳ tác động đối với chè CTC đều ảnh hưởng đến xuất khẩu chè của Ấn Độ. Giá chè của Kê-ni-a thấp hơn cũng gây ra sự cạnh tranh gay gắt đối với chè CTC xuất khẩu của Ấn Độ tại một số thị trường.

Ấn Độ xuất khẩu chè sang thị trường I-ran trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 15,47 nghìn tấn, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thị trường xuất khẩu chè chính của Ấn Độ, chiếm 21% tổng lượng chè xuất khẩu của Ấn Độ. Xuất khẩu chè sang I-ran giảm mạnh do những khó khăn trong thanh toán với I-ran chưa được giải quyết. Kể từ khi Hoa Kỳ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với I-ran, Ấn Độ không thể tham gia vào hoạt động thương mại với I-ran bằng đồng USD.

Do đó, cơ chế thương mại đồng rupee-rial đã được đưa ra vào năm 2018. Theo đó, các nhà máy lọc dầu từ Ấn Độ sẽ gửi đồng rupee của Ấn Độ vào hai ngân hàng được chỉ định là Ngân hàng UCO và Ngân hàng IDBI, để nhập khẩu dầu thô từ I-ran; quỹ được sử dụng để xóa các khoản phí của các nhà xuất khẩu từ Ấn Độ sang Iran.

Bảo An