Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chè ước đạt 35 nghìn tấn, trị giá 52 triệu USD, giảm 3,7% về lượng và giảm 16,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, số liệu thống kê sơ bộ, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 4/2020 ước đạt 8 nghìn tấn, trị giá 13 triệu USD, giảm 14,2% về lượng và giảm 16,9% về trị giá so với tháng 4/2019. Giá xuất khẩu chè bình quân ước tính ở mức 1.625,0 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 4/2019.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chè ước đạt 35 nghìn tấn, trị giá 52 triệu USD, giảm 3,7% về lượng và giảm 16,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu chè bình quân trong 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.496,1 USD/tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, nguyên nhân chính dẫn tới xuất khẩu chè của Việt Nam giảm là do áp lực dư cung trên thị trường toàn cầu làm giá chè giảm mạnh. Cộng thêm ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm gián đoạn thương mại giữa Việt Nam và các nước đối tác do hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa và nhu cầu tiêu thụ chè ở nhiều quốc gia giảm.
Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka và Việt Nam là 5 thị trường xuất khẩu chè lớn trên thế giới, chiếm 82% xuất khẩu chè toàn cầu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ các lệnh cấm di chuyển, phong tỏa và giãn cách xã hội đã làm gián đoạn việc thu hoạch chè đúng vào mùa hái lá chính khiến nguồn cung chè trên toàn cầu bị gián đoạn. Sự gián đoạn này kéo dài khoảng một tháng đã khiến giá chè tăng đột biến.
Sản lượng chè tại Trung Quốc năm 2020 dự kiến giảm do thời tiết tháng 4/2020 vẫn còn lạnh hơn mức bình thường dự kiến sẽ khiến sản lượng chè năm nay sụt giảm. Trong khi xuất khẩu chè của Ấn Độ và Sri Lanka, bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lao động do dịch Covid-19 và thời tiết bất lợi. Sản lượng chè của Ấn Độ dự kiến giảm 9% trong năm 2020 do lệnh phong tỏa khiến các đồn điền phải tạm dừng thu hoạch. Khi lệnh phong tỏa tại Ấn Độ được nới lỏng, các vườn chè cũng chỉ hoạt động khoảng 50% công suất so với trước khi có dịch.
Theo Ủy ban chè Quốc tế, năm 2020 xuất khẩu chè của Ấn Độ dự báo sẽ giảm 7%. Đáng chú ý, thu hoạch chè của Kenya bị ảnh hưởng không đáng kể bởi dịch Covid-19 và sản lượng chè nước này dự kiến sẽ tăng 15% trong năm 2020.
Theo dự báo của Hiệp hội thương mại chè Đông Phi, giá chè trên thị trường thế giới sẽ giảm trong thời gian tới do tiếp tục chịu tác động kép từ sự bùng phát mạnh trên toàn cầu của dịch Covid- 19, những hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa làm giảm nhu cầu tiêu thụ chè ở nhiều quốc gia, các nhà xuất khẩu đặt giá thầu thấp trong bối cảnh đơn hàng giảm từ các nhà nhập khẩu ở EU do tác động của Covid- 19. Những biến động của thị trường chè thế giới sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu chè Việt trong thời gian tới.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 3, giá chè cũng có xu hướng biến động giảm. Cụ thể, tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng cao giảm 10.000 đồng/kg xuống còn 220.000 đồng/kg, chè xanh búp khô giảm 5.000 đồng/kg còn 100.000 đồng/kg, chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) giảm 10.000 đồng /kg còn 130.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè cành ổn định 9.500 đồng/kg.
Nhìn chung, trong thời gian tới, sản lượng chè của Việt Nam dự kiến cũng không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng sản lượng chè của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên thị trường toàn cầu. Xuất khẩu chè dự kiến sẽ khả quan hơn khi các thị trường xuất khẩu lớn của chè Việt Nam như Đài Loan, Trung Quốc đang dần hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh.
Hồng Anh