Xuất khẩu gạo cao kỷ lục, dự kiến tiếp tục thuận lợi trong năm 2024

Năm 2023 được đánh giá là năm được mùa, được giá của ngành gạo Việt Nam. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm qua, có nhiều thời điểm vượt cả Thái Lan và Ấn Độ

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu  gạo của Việt Nam trong tháng 12 đạt 492.387 tấn, trị giá 338,7 triệu USD, giảm 18% về lượng và 15,4% về trị giá so với tháng trước, nhưng tăng 13,3% về lượng và tăng tới 53,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gạo cao kỷ lục, dự kiến tiếp tục thuận lợi trong năm 2024 - Ảnh 1

Mặc dù vậy, năm 2023 được đánh giá là một năm thành công đối với ngành gạo Việt Nam khi xuất khẩu mặt hàng đạt hơn 8,1 triệu tấn, với kim ngạch thu về 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục kể từ năm 1989 khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo.

Kết quả này cũng giúp Việt Nam giữ vững vị trí là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới sau Thái Lan và Ấn Độ. Đặc biệt, năm 2023 gạo ST25 của Việt Nam tiếp tục đoạt giải "Gạo ngon nhất thế giới" lần thứ hai. Giá trị gạo Việt Nam trên thế giới được khẳng định khi các đối tác nhập khẩu  và người tiêu dùng đều ưa chuộng

Trong tháng cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 688 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng trước đó và tăng 35,7% so với cùng kỳ. Tính chung năm 2023, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 18,3% so với năm 2022 lên mức bình quân 575 USD/tấn.

Đặc biệt, có nhiều thời điểm trong năm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất thế giới, vượt cả Thái Lan và Ấn Độ. Tại trong nước, giá lúa gạo cũng đã tăng khoảng 40 – 53% trong năm 2023. Mức tăng này thậm chí còn cao hơn so với mức tăng của giá xuất khẩu, có thể nói năm 2023 là một năm được mùa được giá của người nông dân trồng lúa.

Dự báo về thị trường năm 2024, Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi do nhu cầu thế giới cao. Chính vì vậy, ngành hàng gạo trong nước tiếp tục tận dụng thời cơ, đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển bền vững. Nội dung này cũng được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế quan tâm trong thời gian tham gia Festival Quốc tế lúa gạo Việt Nam tại Hậu Giang vừa qua. Các chuyên gia cũng cho rằng gắn liền với xu thế tiêu thụ của thế giới, hoạt động sản xuất và chế biến lúa gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển lớn. Đặc biệt, chủng loại gạo thơm, chất lượng cao đã đáp ứng tốt thị hiếu của các thị trường lớn. Với những nhận định về thị trường lúa gạo thế giới, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tập trung cắt bớt các khâu trung gian để giảm giá bán, tập trung công tác khuyến nông để giúp người nông dân sản xuất một cách bền vững, hiệu quả.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn. Trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn, tăng 2,8 triệu tấn so với năm trước. Chính vì vậy, dự báo nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng, trong đó có Philippines.

"Thời gian tới chúng tôi cần sản lượng gạo rất lớn, do đó ngoài mua gạo của Việt Nam, chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn xây dựng vùng sản xuất tốt hơn", ông Leocadio Sebastian, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, cho hay.

Các chuyên gia cũng cho rằng gắn liền với xu thế tiêu thụ của thế giới, hoạt động sản xuất và chế biến lúa gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển lớn. Đặc biệt, chủng loại gạo thơm, chất lượng cao đã đáp ứng tốt thị hiếu của các thị trường lớn.

"Việt Nam có dòng gạo thơm, cao cấp. Sản phẩm của các bạn đã vươn ra các thị trường, không chỉ sang Mỹ, Canada, châu Âu, mà nay còn sang cả châu Phi, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Philippines... Dòng gạo thơm thể hiện nỗ lực rất đáng ngưỡng mộ của các bạn", ông V Subramanian, chuyên gia nghiên cứu thị trường Singapore, đánh giá.

Với những nhận định về thị trường lúa gạo thế giới, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tập trung cắt bớt các khâu trung gian để giảm giá bán, tập trung công tác khuyến nông để giúp người nông dân sản xuất một cách bền vững, hiệu quả.

Hương Trà (t/h)

Từ khóa: