Xuất khẩu hồ tiêu thu về hơn 700 triệu USD kể từ đầu năm

Việt Nam hiện đang chiếm ưu thế toàn cầu trong ngành hồ tiêu, nắm giữ khoảng 60% thị phần xuất khẩu thế giới. Trong hơn 20 năm qua, nước ta không chỉ dẫn đầu về sản xuất mà còn về xuất khẩu hồ tiêu, với khoảng 40% sản lượng thu hoạch toàn cầu và 60% thị phần xuất khẩu. Hạt tiêu và các gia vị của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng trên toàn thế giới.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 7 đạt 21.803 tấn với trị giá hơn 129 triệu USD, giảm 22,4% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 7 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu hạt tiêu của nước ta đạt hơn 163 nghìn tấn với trị giá hơn 760 triệu USD, giảm 2,7% về lượng nhưng tăng mạnh 40,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xét về thị trường, Mỹ tiếp tục là nhà nhập khẩu lớn nhất của nước ta với 43.168 tấn, kim ngạch đạt hơn 205 triệu USD, tăng 48% về lượng và 75% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá cũng ghi nhận mức tăng gần 20% với bình quân 4.755 USD/tấn.

Xuất khẩu hồ tiêu thu về hơn 700 triệu USD kể từ đầu năm - Ảnh 1

Đáng chú ý, Đức đang mạnh tay săn lùng mặt hàng này từ Việt Nam với mức tăng mạnh nhất trong số các thị trường chủ đạo. Trong 7 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu sang Đức 11.028 tấn hạt tiêu, trị giá hơn 57 triệu USD, tăng 100% về lượng và tăng 152% về trị giá so với năm trước. Giá bình quân đạt 5.280 USD/tấn, tăng 26%.

Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất (UAE) đã vươn lên trở thành khách hàng lớn thứ 3 của Việt Nam với 10.922 tấn hạt tiêu, kim ngạch đạt hơn 55 triệu USD, tăng 40% về lượng và tăng mạnh 113% về trị giá so với 7T/2023. Giá bình quân đạt 5.085 USD/tấn, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường hồ tiêu toàn cầu được định giá 5,43 tỷ USD/năm, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024-2032. Bên cạnh diện tích trồng được trong nước, nước ta đang tăng cường nhập khẩu mặt hàng này từ nhiều thị trường nhằm củng cố ngôi vị dẫn đầu thế giới về xuất khẩu.

Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hiện tượng thời tiết khô hạn kéo dài đã khiến sản lượng hồ tiêu của nước ta giảm 10% trong năm nay, xuống còn khoảng 170.000 tấn. Nguồn cung sụt giảm từ nước ta đã có tác động lớn tới giá trên toàn cầu. Trong quý II/2024, giá hồ tiêu đen trong nước đã tăng 93% so với thời điểm đầu năm và tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Việc tăng giá hồ tiêu sẽ tiếp tục diễn ra do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung lại hạn chế.

Theo ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh, mặc dù sản lượng của Brazil tăng nhưng hạt tiêu của quốc gia này lại ít được ưa chuộng trên toàn thế giới.

Cùng với việc Mỹ và châu Âu áp đặt các hạn chế, Việt Nam nổi lên là nước nhập khẩu hạt tiêu Brazil lớn nhất. Điều này là do các nhà máy chế biến tiên tiến của Việt Nam, cho phép họ gia tăng giá trị và bán sản phẩm chế biến với giá cao hơn, tương tự như cách tiếp cận với hạt tiêu Indonesia. Quan niệm nông sản Việt kém cỏi đã thay đổi, đặc biệt là ngành hồ tiêu và cà phê.

Khách quốc tế đổ về Việt Nam mua hạt tiêu khiến giá hạt tiêu Việt Nam tăng cao. Giá cao khuyến khích nông dân đầu tư thời gian và tiền bạc vào vườn tiêu.

Vụ vừa qua sản lượng hạt tiêu cả nước đạt khoảng 170.000 tấn, giảm so với mức đỉnh 300.000 tấn năm 2015. Trong khi đó, Brazil tiếp tục phải chịu hạn hán và nhiệt độ khắc nghiệt, tiếp tục ảnh hưởng đến vụ mùa tiêu của họ và khiến giá tiêu tăng cao. Sản lượng toàn cầu khoảng 455.000 tấn, trong khi nhu cầu khoảng 550.000 tấn, mang lại cho các nhà sản xuất hạt tiêu những kỳ vọng.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá tiêu trong nước là 140 - 142 triệu đồng/tấn. Với vàng và USD ở mức như hiện nay, rất ít người bán hạt tiêu. Năm 2024, giá các mặt hàng nông sản như cà phê, hạt tiêu, gạo và hạt điều tăng cao, mang lại niềm vui lớn cho nông dân.

Tuy nhiên, bài học rút ra là tránh sản xuất vượt quá nhu cầu để ngăn chặn những thảm kịch trong quá khứ. Điều quan trọng là phải quản lý sự tăng giá một cách khôn ngoan và tập trung vào phát triển bền vững trong ngành hồ tiêu.

VPSA định hướng ưu tiên giữ ổn định diện tích hạt tiêu, tập trung các giải pháp cải thiện chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.

Theo đó, cần khuyến cáo và hướng dẫn nông dân tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về dư lượng hóa chất, thực hiện quy trình canh tác, phòng trừ dịch hại, chế biến bảo quản phù hợp với điều kiện khí hậu của các vùng miền.

Dự báo nhu cầu hạt tiêu thế giới ngày càng tăng và khu vực EU vẫn là thị trường tiêu thụ lớn đối với hạt tiêu Việt Nam. Ngoài ra, năng lực chế biến hạt tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam rất lớn, có thể đạt 140.000 tấn/năm là cơ hội giúp ngành hạt tiêu Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Hiện người tiêu dùng trên thế giới sẵn sàng trả giá cao cho hạt tiêu chất lượng cao. Trong đó, các thị trường Mỹ, EU, Trung Đông... gia tăng nhu cầu nhập các sản phẩm đáp ứng tính bền vững về các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, do thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu trên toàn cầu, đồng thời chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và việc bị tắc nghẽn cảng tại châu Á nên tác động tới giá tại những thị trường nhập khẩu và khiến giá sẽ tăng trong trung và dài hạn.