Xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ thắng lớn trong năm nay
Tính đến đầu tháng 12/2021, giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp đã chạm sát mốc mục tiêu 44 tỷ USD. Cụ thể, trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt gần 43,5 tỷ USD - vượt mục tiêu đặt ra cho cả năm 2021 tới gần 1,5 tỷ USD (kế hoạch là 42 tỷ USD). Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, mang tính “bội thu”, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh nông sản xuất khẩu chịu nhiều tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 19 tỷ USD (tăng gần 14%); lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỷ USD (tăng 21%)…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, kết quả này là sự thừa hưởng từ hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp trong thời gian qua khi xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chí cho các thị trường xuất khẩu. Theo Thứ trưởng, năm nay khi thị trường Trung Quốc gặp khó, các DN xuất khẩu của Việt Nam cũng tìm hướng đi mới, tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để chinh phục thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đến nay, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Mỹ đạt trên 12 tỷ USD; thị trường Trung Quốc đạt gần 8,4 tỷ USD; Nhật Bản gần 3 tỷ USD và Hàn Quốc đạt khoảng 1,9 tỷ USD…
Nếu duy trì đà tăng trưởng như tháng 11, dự kiến trong tháng 12 này, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt hơn 4 tỷ USD và như vậy năm nay xuất khẩu nông sản Việt Nam ước đạt khoảng 47 tỷ USD. Đây là kết quả rất ấn tượng trong bối cảnh thế giới chịu nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Việt Nam đang là "bạn hàng" của nhiều thị trường lớn
Hiện nay, Việt Nam hiện đang là thị trường cung cấp hàng rau quả chế biến lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ, nguồn cung hạt điều số 1 tại thị trường Đức và là nguồn cung cà phê lớn nhất tại thị trường Liên bang Nga (tính theo lượng)...
Với thị trường Hoa Kỳ, theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), theo số liệu thống kê từ Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu hàng rau quả chế biến (mã HS 20) của Hoa Kỳ trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 3,7%/năm.
Bất chấp đại dịch COVID-19 bùng phát, Hoa Kỳ nhập khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam trong năm 2020 đạt 8,6 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2021, con số này đã tăng lên 7,4 tỷ USD (tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2020).
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu rau quả đạt 171,9 triệu USD, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tỉ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 2,3% tổng trị giá nhập khẩu. Việt Nam hiện đang là thị trường cung cấp hàng rau quả chế biến lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ.
Nhìn từ những con số trên đã chứng tỏ, các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam đang dần đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với thị trường rộng lớn như Hoa Kỳ thì dư địa cho xuất khẩu hàng rau quả chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam rất lớn.
Bên cạnh hàng rau quả chế biến, một sản phẩm nông sản tiêu biểu nữa của Việt Nam đó là hạt điều. Việt Nam hiện là nguồn cung hạt điều số 1 tại thị trường Đức nhờ sản lượng ổn định và chất lượng đảm bảo. Theo Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho biết, Đức nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 28,23 nghìn tấn, trị giá 201,21 triệu USD, giảm 1,7% về lượng và giảm 7,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù vậy, thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức vẫn tăng từ 57,51% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 62,46% trong 9 tháng đầu năm 2021. Cơ quan này nhận định, xét về cơ cấu nguồn cung, Việt Nam vẫn là nguồn cung hạt điều số 1 tại thị trường Đức nhờ sản lượng ổn định và chất lượng đảm bảo.
Còn thị trường Nga đang rất chuộng cà phê của Việt Nam. Theo Cơ quan Hải quan Nga, 9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cà phê của Nga đạt trên 182.000 tấn, trị giá 565,74 triệu USD, tăng 6,4% về lượng và tăng 20,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Nga nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt trên 61.000 tấn, trị giá 116 triệu USD, giảm 8% về lượng, nhưng tăng 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam hiện là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Nga tính theo lượng. Còn tính về kim ngạch, cà phê Việt Nam đứng thứ 2 ở thị trường Nga sau Brazil (133 triệu USD trong 9 tháng đầu năm). Trong những năm gần đây, ngành cà phê Việt Nam đã có nhiều thay đổi, ngoài xuất khẩu cà phê nhân, Việt Nam đã đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, khai thác tối đa lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030.
Ngoài ra, không chỉ xuất khẩu hàng nông sản, Việt Nam còn là một địa chỉ hấp dẫn trong việc hợp tác xuất khẩu nông sản. Mới đây, các doanh nghiệp của Singapore thể hiện sự quan tâm lớn đến nguồn cung hàng hóa của Việt Nam, tìm kiếm các đối tác nhằm khai thác nguyên tắc xuất xứ, nguyên tắc xuất xứ cộng gộp của các hiệp định đã ký kết. Mặc dù không có nền nông nghiệp nhưng Singapore lại có tỷ trọng xuất khẩu thực phẩm chế biến rất lớn. Nước này còn có 'tham vọng' trở thành Trung tâm Halal toàn cầu (thức ăn và đồ uống “được phép” theo Luật hồi giáo) và dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành thực phẩm chế biến. Các nhà sản xuất thực phẩm chế biến rất quan tâm đến khâu nguyên liệu. Do đó, doanh nghiệp của Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để xuất khẩu nguyên liệu sản phẩm cho thực phẩm chế biến nói chung và thực phẩm Halah nói riêng. Có thể thấy đây là cơ hội rất tuyệt vời dành cho Việt Nam.
Dự kiến từ nay đến cuối năm và sang tháng 1/2022, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu các thị trường chính đều tăng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhiều quốc gia sẽ tăng cường nhập nông sản, thực phẩm để chủ động đối mặt với những diễn biến xấu. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nên xuất khẩu nông sản cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là khâu vận chuyển, lưu thông.
Vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu với các sản phẩm, đặc biệt là những thị trường có tỷ trọng xuất khẩu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong quá trình xuất khẩu, khi có vướng mắc tại các thị trường, gặp phải các rào cản kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ ngay khó khăn. Ngoài ra, các bộ cũng có sự phối hợp các bên, như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, các hội đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… và với các địa phương đễ hỗ trợ tiêu thụ nông sản hiệu quả hơn.