Theo đó, trong quý 2/2023, Việt Nam có nhiều loại trái cây vào vụ thu hoạch và nhiều loại sản phẩm mới như chanh leo, sầu riêng được Trung Quốc cấp thêm mã vùng trồng, là lợi thế cho kỳ vọng lập kỷ lục của ngành rau quả.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, mặt hàng rau quả Việt Nam đã có mặt ở 27 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 17 thị trường đạt trên 10 triệu USD (riêng Trung Quốc đạt 1,29 tỷ USD, chiếm trên 63,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam).
Trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu chính, chỉ có trái thanh long và chuối là có trị giá giảm, mức giảm lần lượt 20% và 18,4%, đổi lại, xuất khẩu trái sầu riêng tăng 573,1% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 190,5 triệu USD. Trái sầu riêng xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, với trị giá chiếm 84,3% tổng trị giá xuất khẩu trái sầu riêng.
Đáng chú ý, sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu quả sầu riêng chính ngạch, thì trái sầu riêng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài việc ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, Việt Nam và Trung Quốc còn ký nghị định thư với chủng loại quả măng cụt và chuối. Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư với Trung Quốc các chủng loại quả như: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài.
Đồng thời, đề nghị phía Trung Quốc mở cửa thêm cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: Bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa.
Bên cạnh đó, so với cùng kỳ năm trước, có 16 thị trường có mức tăng cao, trong đó có 9 thị trường tăng trên 2 triệu USD như Trung Quốc, Hà Lan, Hàn Quốc, UAE, Malaysia, Nhật Bản, Đức…
Các doanh nghiệp ngành rau quả đánh giá, mặc dù xuất khẩu sang một số thị trường như Hoa kỳ, Canada, Australia, Hong Kong sụt giảm nhưng sự tăng mạnh nhập khẩu của thị trường Trung Quốc cũng giúp bù đắp được sự sụt giảm trên.
Tiến Hoàng