Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong những tháng có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất năm do rơi vào giai đoạn cao điểm thu hoạch sầu riêng tại Tây Nguyên. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỉ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 8 tháng qua, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành hàng trái cây Việt Nam, với kim ngạch 2,93 tỷ USD, chiếm tới 64% trong tổng thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tiếp đến là Hoa Kỳ, Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 223,5 triệu USD và 223 triệu USD, tăng 31% và 51% so với cùng kỳ năm trước, chiếm lần lượt 4,88% và 4,87% về thị phần.
Đáng chú ý, Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 4 trong danh sách các thị trường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 141 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết thời gian qua Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng của nước ta, trong đó có sầu riêng đông lạnh. Điều này thúc đẩy giá trị xuất khẩu qua thị trường này tăng. Một số lô hàng sầu riêng của Việt Nam được Thái Lan nhập khẩu sẽ được dùng để xuất khẩu ngược sang Trung Quốc.
Cũng theo ông Nguyên, bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả Việt Nam ngày càng được mở rộng ở khu vực Đông Bắc Á. Theo đó, tại khu vực thị trường này, riêng Trung Quốc và Hàn Quốc đã chiếm 69% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sau 8 tháng. Có thể nói, Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam, bởi các doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan, mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics so với các thị trường như EU, Hoa Kỳ…
Đề cập về chủng loại trái cây, ông Nguyên cho hay sầu riêng vẫn đang đứng “đầu bảng” về xuất khẩu. Trong 8 tháng, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam và Việt Nam đang là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc.
Đáng chú ý, ngày 19/8 mới đây, Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mở ra bước ngoặt mới, thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng mạnh mẽ, vững chắc hơn.
Theo ông Nguyên, dự đoán năm nay sẽ là năm kỷ lục mới cho xuất khẩu rau quả chế biến với kim ngạch có thể đạt 1,4-1,5 tỷ USD. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của nhóm này chậm hơn so với rau quả tươi, chúng vẫn đóng góp đáng kể vào việc ổn định giá cả và nâng cao giá trị hàng hóa.
"Rau quả chế biến không chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản mà còn tăng giá trị hàng hóa gấp 3-4 lần so với sản phẩm tươi", ông nói.
Nhờ kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến tăng, nửa đầu năm nay, giá các nông sản như dừa, xoài, chuối và mít luôn ổn định. Đặc biệt, khi sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có được chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc, loại trái cây này có khả năng tăng giá trị và vị thế hơn nữa.
Ngoài thị trường Trung Quốc, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng nhận định rằng rau quả chế biến đang có nhiều thuận lợi khi xuất khẩu sang các thị trường thuộc khối Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong. Các thị trường này có GDP cao và sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Do đó rau quả chế biến của Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển.
Tuy nhiên, theo ông, các biến động địa chính trị ở Trung Đông và suy thoái kinh tế ở các thị trường chính như Nhật, Hàn, và EU có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp. Đặc biệt, giá nguyên liệu cho sản phẩm chế biến đang tăng đáng kể. Để kiểm soát giá nông sản, ông Nguyên khuyến nghị các doanh nghiệp cần mở rộng vùng nguyên liệu, quản lý chất lượng từ cây giống đến sản xuất và chế biến, đảm bảo sản phẩm luôn đạt chất lượng cao.
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết tổng diện tích trồng cây ăn quả của Việt Nam tính đến 30/7/2024 đạt khoảng 1,29 triệu ha, tăng khoảng 20.000 ha so với năm 2023. Thời điểm này, nhiều loại trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào chính vụ như sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải... sẽ tạo ra lượng hàng hóa lớn cho cả xuất khẩu tươi và chế biến sâu.
Tổng sản lượng trái cây thu hoạch hàng năm tại Việt Nem lên đến 12-14 triệu tấn. Chất lượng cũng như đặc tính của các loại trái cây nhiệt đới ở Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng, đánh giá cao.
Theo ông Hoàng Trung, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rất nỗ lực trong việc phối hợp với các Bộ, ngành khác cũng như chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đàm phán, xử lý các rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ ngày 27/8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã hoàn tất quá trình đàm phán kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép nhập khẩu chanh leo Việt Nam.
Sau khi đồng ý về mặt kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ thực hiện các thủ tục lấy ý kiến cơ quan chức năng trong 60 ngày, sau đó sẽ công bố chính thức chanh leo Việt Nam được xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Như vậy, chanh leo sẽ là loại trái cây tươi thứ 9 được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cùng với thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã khởi động quy trình xem xét đối với một số trái cây mới của Việt Nam như: Chanh không hạt, ổi, mít.
Tại thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang xúc tiến mở rộng thêm các sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường này. Dự kiến, Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc sẽ được tổ chức nhân dịp kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh vào ngày 29-30/9/2024.