Xuất khẩu sang Pakistan - hướng đi của ngành chè trong đại dịch Covid-19

Tuy xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan tăng về lượng nhưng trị giá nhập khẩu chè của Pakistan từ Việt Nam còn khá khiêm tốn, vẫn còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này.

Pakistan – một trong những thị trường tiêu thụ chè lớn nhất thế giới

Với dân số trên 200 triệu người, cùng văn hóa uống trà truyền thống lâu đời của người dân và mức tiêu thụ chè bình quân đầu người là 1kg/năm, Pakistan đang là một trong những thị trường nhập khẩu chè lớn nhất thế giới. Năm 2020, Pakistan là nước nhập khẩu chè hàng đầu trên thế giới, với giá trị nhập khẩu xấp xỉ 590 triệu USD. 

Nhu cầu tiêu thụ chè tại Pakistan lớn và ngày càng tăng cao chủ yếu là do thị hiếu uống chè đã tồn tại từ nhiều năm tại đất nước này. Mặc dù đã đẩy mạnh việc trồng chè tại các vùng trên cả nước song Pakistan vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ chè nội địa. Vì thế, quốc gia này trở thành một trong những thị trường tiêu thụ chè lớn, đầy tiềm năng tại khu vực Nam Á và chè Việt đang trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng tại quốc gia này.

Xuất khẩu sang Pakistan - hướng đi của ngành chè trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1

Đặc biệt, người tiêu dùng trung lưu tại các thành phố lớn của Pakistan ưa chuộng sử dụng trà túi lọc như trà đen, trà xanh, trà thảo dược, trái cây trong khi người dân tại các vùng nông thôn lại yêu thích loại trà khô truyền thống và có mức tiêu thụ cao, chiếm phần lớn trên tổng mức tiêu thụ chè tại Pakistan. 

Pakistan – đối tác nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam

Trong những năm trở lại đây, Pakistan luôn giữ vị trí là đối tác nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2021, chè của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Pakistan, chiếm 27,7% trong tổng khối lượng và chiếm 32,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước, đạt 7.216 tấn, tương đương 13,57 triệu USD, giá trung bình 1.880,5 USD/tấn. Nhìn chung, trong 3 tháng đầu năm 2021, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan tăng trở lại sau khi giảm trong năm 2020 – tăng 5,5% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Riếng trong tháng 4/2021 xuất khẩu chè sang Pakistan đạt 10.342 tấn, tương đương 19,6 triệu USD, chiếm 28% trong tổng khối lượng chè xuất khẩu của cả nước và chiếm 33,3% trong tổng kim ngạch, tăng 12,4% về lượng và tăng 16% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.   

Loại chè được xuất khẩu chủ yếu sang Pakistan là chè đen, đây cũng là loại chè xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu.

Thời gian qua, Pakistan liên tục khẳng định vị thế là thị trường lớn nhất của chè Việt Nam, sản lượng chè Pakistan nhập khẩu từ Việt Nam đang tăng nhanh sau từng năm. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2018-2020 Pakistan tăng mạnh nhập khẩu chè từ Việt Nam, với tốc độ trưởng bình quân là 18,2%/năm. Trong năm 2020, Pakistan cùng với Đài Loan và Nga là 3 quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu chè Việt Nam. 

Xuất khẩu sang Pakistan - hướng đi của ngành chè trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 2

Cần đẩy mạnh xuất khẩu chè Việt Nam sang Pakistan

Cho đến nay, theo các số liệu, xuất khẩu chè Việt Nam sang Pakistan hiện vẫn duy trì sự ổn định. Tuy nhiên, ổn định thôi là chưa đủ, bởi kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của chè Việt Nam có thể khai thác từ thị trường này.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chè Việt Nam, việc xuất khẩu chè của Việt Nam sang Pakistan mới chiếm một phần nhỏ trên tổng số chè tiêu thụ tại Pakistan (khoảng 2,98% năm 2020, số liệu của trendeconomy), do sản phẩm còn ít đa dạng về chủng loại, hiện chủ yếu là chè đen, chè xanh và chè nguyên liệu; mẫu mà còn chưa hấp dẫn. Tuy xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan tăng nhưng trị giá nhập khẩu chè của Pakistan từ Việt Nam còn khá khiêm tốn, vẫn còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này.

Thêm vào đó, tuy là một trong những thị trường lớn nhưng do nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về thiếu thông tin thị trường, doanh nghiệp chè Việt Nam rất khó tiếp cận và có những đơn hàng lớn với các doanh nghiệp Pakistan. Do nhiều cơ hội chưa được nắm bắt nên ngành chè còn đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là chưa đem lại nhiều lợi ích cho các địa phương có cây chè là mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp. 

Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa mặt hàng chè Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Pakistan như các buổi giao lưu trực tuyến để khắc phục sự thiếu thông tin, giúp doanh nghiệp hai bên có điều kiện tiếp xúc ban đầu, khắc phục rủi ro về khách hàng, chi phí đi lại... Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn giao thương, xúc tiến thương mại, đưa các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các Hội chợ, Hội thảo nhằm hỗ trợ cho việc nghiên cứu và quảng bá thương hiệu chè Việt Nam đến thị trường Pakistan nói riêng và các thị trường nước ngoài nói chung. 

Về phía các doanh nghiệp chè thì cũng cần nỗ lực hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Việc xây dựng thương hiệu và đầu tư công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đủ tiêu chuẩn cần được quan tâm đúng mức bởi những quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng xuất khẩu là rất nghiêm ngặt, nhất là tại một số thị trường khó tính như Mỹ, EU nói chung hay Pakistan nói riêng...

Đồng thời, để đảm bảo được nguồn nguyên liệu sạch, doanh nghiệp phải liên kết với các đơn vị sản xuất, các hợp tác xã trồng chè; nhân rộng mô hình các vùng trồng chè nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo tiêu chuẩn cho chè xuất khẩu. 

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bảo Anh 

Từ khóa: