Xuất nhập khẩu hàng hóa đón nhiều tín hiệu tích cực trong tháng đầu tiên của 2024

Trong tháng đầu tiên của năm 2024, đơn hàng xuất khẩu nhóm hàng điện tử khả quan hơn năm ngoái, giúp kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất nhập khẩu hàng hóa đón nhiều tín hiệu tích cực trong tháng đầu tiên của 2024.  
Xuất nhập khẩu hàng hóa đón nhiều tín hiệu tích cực trong tháng đầu tiên của 2024.  

Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng đầu năm 2024 tăng cao, đạt 5,14 tỷ USD nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng đều tăng.

Xuất khẩu lâm sản đạt 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản đạt 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản đạt 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi đạt 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất đạt 177 triệu USD, tăng 49,2%.

Về thị trường, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%; Mỹ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.

Đáng chú ý, trong danh sách chính thức về các doanh nghiệp trúng thầu vừa được Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố ngày 31/1/2024, Việt Nam trúng 8/17 gói thầu. Các doanh nghiệp Việt Nam, gồm Vinafood 1, Vinafood 2, Lộc Trời, Công ty TNHH lương thực Phát Tài, Công ty CP Quốc Tế Gia, Công ty CP Thực phẩm thiên nhiên King Green và Xuất nhập khẩu Kiên Giang đã trúng tổng cộng 8/17 gói thầu nhập khẩu gạo 500.000 tấn của Indonesia.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các chuyên gia nhận định, xuất khẩu là động lực quan trọng đối với tăng trưởng GDP trong nhiều năm qua nhưng cũng cần nghĩ đến việc đa dạng hóa thị trường bởi các thị trường truyền thống của Việt Nam đang giảm sút.

Xuất nhập khẩu hàng hóa đón nhiều tín hiệu tích cực trong tháng đầu tiên của 2024 - Ảnh 1

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên bất cứ vấn đề bất ổn nào xảy ra tại Mỹ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Vì vậy, muốn giữ vững đà tăng trưởng thì cần đa dạng hoá thị trường. Ngoài sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: Linh kiện, điện thoại, thiết bị di động,… Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển những mảng khác như đồ nội thất hay nông sản.

Muốn gia tăng sức cạnh tranh với các mặt hàng này cần nâng cao sản lượng và giảm chi phí. Chẳng hạn như cách Malaysia bán sầu riêng cho Trung Quốc. Cần đầu tư, nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp tốt hơn, có năng suất cao hơn và ưu tiên phát triển hạ tầng.

Trong công tác thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam… Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch....

Khởi đầu năm mới 2024, điện thoại và linh kiện đã lấy lại ngôi vị là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024 (1-15/1), xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 2,86 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm gần 200 triệu USD).

Đáng chú ý, với kim ngạch kể trên, điện thoại và linh kiện đã lấy lại ngôi vị số 1 về xuất khẩu từ nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong nửa đầu tháng 1/2024 cao hơn 610 triệu USD so với nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và chiếm gần 19% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bước sang năm 2024, Bộ Công Thương đánh giá bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Kết quả xuất nhập khẩu cũng bước đầu ghi nhận tín hiệu tích cực từ các tháng cuối năm 2023 khi kim ngạch đã có sự phục hồi đáng kể.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân năm 2023 duy trì ở mức tương đương năm 2022, vốn đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng hơn 45% so với cùng kỳ. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, các nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong thời gian qua sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tiến Hoàng