Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2021. Trung Quốc vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
So với năm 2021, thương mại hai chiều Việt Nam - Sơn Đông (Trung Quốc) đạt gần 14 tỷ USD tăng 35,1%, chiếm 2,79% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Sơn Đông với thế giới và chiếm 14,14% kim ngạch xuất, nhập khẩu của Sơn Đông với ASEAN.
Tỉnh Sơn Đông là một thị trường tiềm năng có quy mô lớn, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) xếp thứ 3, dân số xếp thứ 2 Trung Quốc với quy mô dân số đạt 101,62 triệu người (năm 2022). Đây là tỉnh có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, là địa phương giữ vai trò nền tảng về công nghiệp với 41 ngành công nghiệp lớn. Bên cạnh đó, Sơn Đông cũng là điểm kết nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của Trung Quốc.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, giữa tháng 5 vừa qua, ông cùng Đoàn đại biểu Bộ Công thương và một số doanh nghiệp Việt Nam đã thăm và làm việc tại tỉnh Sơn Đông.
"Đoàn công tác đã tận mắt thấy một tỉnh Sơn Đông tươi đẹp, giàu mạnh, hiếu khách, được nghe giới thiệu về các thế mạnh vượt trội của tỉnh như dân số, kinh tế, tài nguyên, văn hóa", ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, kim ngạch thương mại giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Sơn Đông hiện còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, chiếm chưa tới 6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bà Phan Thị Mến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH, một doanh nghiệp Việt Nam dự hội nghị chia sẻ, rằng các thông tin về thị trường Trung Quốc hiện chủ yếu do phía doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông qua đối tác.
Thời gian qua, Trung Quốc có nhiều thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa. Với mong muốn đáp ứng đúng quy định của thị trường tỉ dân, bà Mến kiến nghị Bộ Công thương và các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan đồng hành cũng như tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp, đáp ứng đúng, đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu.
Tại hội nghị, ông Lâm Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Sơn Đông bày tỏ sự vui mừng khi nhận sự quan tâm, theo dõi của hơn 200 doanh nghiệp. Ông cho rằng, hội nghị này góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc theo tinh thần kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 11/2022.
Trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vào năm ngoái, đồng thời dỡ bỏ các biện pháp phòng chống Covid-19 từ ngày 8/1/2023, ông Lâm mong muốn doanh nghiệp hai bên đón đầu, tận dụng hiệu quả cơ hội này.
Đại biểu tham dự hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết 7 thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Sơn Đông. Song song với đó, hơn 200 doanh nghiệp hai nước thuộc 5 lĩnh vực: nông sản - thực phẩm, thiết bị máy móc, lốp cao su - phụ tùng ô tô, xây dựng - vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác kết nối giao thương.
- Năm 2022, theo thống kê của phía Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Sơn Đông - Việt Nam đạt 93,25 tỷ NDT (~ 13,56 tỷ USD) (chiếm 2,79% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với thế giới và chiếm 14,14% kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với ASEAN), tăng 35,1% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Sơn Đông sang Việt Nam đạt 10,26 tỷ USD (chiếm 3,46% xuất khẩu của Sơn Đông ra thế giới và 20,45% xuất khẩu tới ASEAN), nhập khẩu của Sơn Đông từ Việt Nam đạt 3,29 tỷ USD (chiếm 1,75% nhập khẩu của Sơn Đông từ thế giới và 7,22% nhập khẩu từ ASEAN).
+ Các mặt hàng xuất khẩu chính của Sơn Đông sang Việt Nam năm 2022 đều tăng trưởng dương trên 2 con số: máy móc cơ khí và thiết bị điện đạt 2,8 tỷ USD; kim loại cơ bản 1,38 tỷ USD; hóa chất công nghiệp và các ngành liên quan đạt 1,23 tỷ USD; sản phẩm dệt may đạt 1,19 tỷ USD; nhựa và cao su đạt 976,36 triệu USD; vật liệu đá và thủy tinh đạt 564,13 triệu USD,..
+ Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Việt Nam: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 955,64 triệu USD, tăng 31,93%; máy móc cơ khí và thiết bị điện 891,48 triệu USD, tăng 66,35%; nhựa và cao su 580,26 triệu USD, tăng 16,96%; rau củ đạt 275,76 triệu USD, tăng 86,58%; sản phẩm khoáng sản 190,11 triệu USD, giảm 22,52%; động vật và sản phẩm động vật 136,1 triệu USD, tăng 171,34%; sản phẩm dệt may 116,01 triệu USD, giảm 32,72%…
- Trong 3 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất nhập khẩu Sơn Đông – Việt Nam đạt 2,67 tỷ USD, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Sơn Đông sang Việt Nam đạt 2 tỷ USD, tăng 7,9%; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 672,65 triệu USD, giảm 13,35%.
+ Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Việt Nam: máy móc cơ khí và thiết bị điện 616,12 triệu USD, tăng 24,62%; hóa chất công nghiệp và các ngành liên quan 247,25 triệu USD, giảm 5,56%; kim loại cơ bản 237,35 triệu USD; sản phẩm dệt may 206,14 triệu USD, tăng 10,57%; nhựa và cao su đạt 181,40 triệu USD, giảm 8,99%; vật liệu đá và thủy tinh 138,63 triệu USD, tăng 73,22%...
+ Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Việt Nam: gỗ và sản phẩm gỗ 218,35 triệu USD, tăng 43,16%; nhựa và cao su 161,55 triệu USD, giảm 16,71%; máy móc cơ khí và thiết bị điện 138,35 triệu USD, giảm 23,47%; rau củ 41,64 triệu USD, giảm 40,72%; sản phẩm dệt may 27,28 triệu USD, giảm 19,2%; động vật và sản phẩm động vật 19,15 triệu USD, giảm 18,65%; hóa chất công nghiệp 18,95 triệu USD, tăng 105,37%; sản phẩm khoáng sản 10,74 triệu USD, giảm 87,07%.
Tiến Hoàng