Yên Bái: Huyện Trạm Tấu vượt khó nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội

Với đặc thù huyện vùng cao, xuất phát điểm thấp; địa hình đồi núi chia cắt, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nhất là hệ thống giao thông còn khó khăn, cơ sở thiết yếu phục vụ đời sống văn hóa, xã hội còn chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Trình độ dân trí không đồng đều, đa phần người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp…từ những đặc điểm nêu trên đã tác động không nhỏ đến việc triển khai thực hiện xây dựng Nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.

Hội trường huyện ủy HĐND, UBND huyện Tram Tấu. Ảnh: Nam Trứ.
Hội trường Huyện ủy HĐND, UBND huyện Trạm Tấu. Ảnh: Nam Trứ.

Trong những năm qua, bằng tình đoàn kết, đồng lòng giữa bà con nhân dân và chính quyền, cùng với sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, điều kiện kinh tế xã hội của huyện Trạm Tấu từng bước phát triển và ngày càng khởi sắc rõ rệt, đời sống của bà con các xã ngày càng được cải thiện.  

Được biết, huyện Trạm Tấu là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, diện tích đất tự nhiên hơn 74.670 ha, huyện có 11 xã và 1 thị trấn với 57 thôn bản, trong đó 10 xã đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện trên 36.680 người, bao gồm 11 dân tộc chung sống (trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 79%; dân tộc Thái 13,1% còn lại là các dân tộc khác). Để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, thời gian tới, huyện Tram Tấu đã chủ trương tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình khoa học công nghệ, gắn với phát triển nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2020 - 2025, trọng tâm vào đổi mới phương thức sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trên cơ sở phát huy lợi thế các cây trồng, vật nuôi đặc sản của từng vùng, từng xã.

Duy trì, mở rộng vùng ngô hàng hóa, vùng chè Shan tuyết, vùng sản xuất lúa đặc sản, các sản phẩm OCOP... gắn với du lịch sinh thái vùng cao, du lịch trải nghiệm tắm khoáng nóng… Quy hoạch phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng, đặc sản của huyện, như: măng sặt, khoai sọ, măng ớt, thịt gà đen, lợn bản…  Đồng thời, thử nghiệm một số loại cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng. Phấn đấu đến năm 2025, huyện có ít nhất 10 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, nhiều nông sản, vật nuôi chất lượng, trở thành đặc sản của địa phương.

Khu Suối khoáng nóng Trạm Tấu, điểm hẹn thu hút khách du lịch trải nghiệm. Ảnh: Nam Trứ.
Khu Suối khoáng nóng Trạm Tấu, điểm hẹn thu hút khách du lịch trải nghiệm. Ảnh: Nam Trứ.

Nhằm tạo cú hích để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện còn tập trung thu hút và ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phá thế cô lập khi có tình huống xấu xảy ra. Với phương châm “trên dưới cùng làm”, huyện đã kết hợp nhiều nguồn lực tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch, tuyến giao thông lên núi, nối thôn xa với bản gần, vùng thấp với vùng cao, xóa đi rào cản giao thông.

Đặc biệt, từ nguồn vốn Chương trình 30a, Chương trình 135 của Trung ương và ngân sách địa phương. Trong 5 năm qua, huyện đã mở mới và nâng cấp trên 900 km đường các loại, trong đó có 190 km đường bê tông và đường nhựa; xây dựng mới 3 cầu bê tông, 2 công trình cầu treo, 9 công trình cầu dân sinh…Đến nay, 100% các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% các thôn bản có đường xe máy đi lại được cả bốn mùa trong năm.

Đường giao thông đi lại trện địa bàn huyện được đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi. Ảnh: Nam Trứ.
Đường giao thông đi lại trện địa bàn huyện được đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi. Ảnh: Nam Trứ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong các năm tiếp theo, huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường nối Quốc lộ 32C với tỉnh lộ 174 và đường nối Trạm Tấu với Bắc Yên (Sơn La), tuyến đường hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu buôn bán giữa 2 huyện với nhau…

Ông Khang A Chua, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu trao đổi với phóng viên về phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. Ảnh: Nam Trứ.
Ông Khang A Chua, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu. Ảnh: Nam Trứ.

Ông Khang A Chua, Phó Chủ tịch huyện Trạm Tấu cho biết: Huyện còn nhiều khó khăn do vị trí địa lý khá xa, giao thông đi lại, gặp nhiều vất vả trong quá trình vận chuyển hàng hóa, nông sản… Bên cạnh những khó khăn trên, huyện có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất cũng như du lịch trải nghiệm, có nhiều đồi núi đẹp đang được huyện khai thác phát triển du lịch. Đặc biệt, ltận dụng tốt dòng suối khoáng tự nhiên để xây dựng các mô hình du lịch tắm khoáng nóng trên địa bàn, tại huyện có mô hình Suối khoáng Cường Hải đang thu hút khá là đông du khách đến trải nghiệm…Hiện huyện đang triển khai 2 nhiệm vụ sản phẩm OCOP là Điểm du lịch Homestays Đồi Chè và Gạo Tẻ đỏ Trạm Tấu.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư vào khai thác các tiềm năng, lợi thế, như: xây dựng các công trình thủy điện, khai thác khoáng sản, chế biến nông lâm sản. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất hàng hóa; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, cơ sở lưu trú, tạo ra sản phẩm du lịch mới, như: sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng; khám phá và trải nghiệm; văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số…

Du khách trải nghiệm dịch vụ tắm suối khoáng nóng Trạm Tấu, tại khu suối khoáng Cường Hải. Ảnh: Nam Trứ.
Du khách trải nghiệm dịch vụ tắm suối khoáng nóng Trạm Tấu, tại khu suối khoáng Cường Hải. Ảnh: Nam Trứ.
Du khách trải nghiệm. Ảnh: Nam Trứ
Du khách trải nghiệm. Ảnh: Nam Trứ.

Đến nay, một số sản phẩm du lịch của huyện đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, như: Leo núi đỉnh Tà Xùa, đỉnh Tà Chì Nhù, thác Háng Đề Chơ, khu du lịch Khoáng nóng Trạm Tấu, đồi thông Eo Gió,...Nhờ vậy, du lịch có nhiều khởi sắc, các hoạt động du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện được quan tâm; có nhiều địa danh, phong cảnh đẹp ngày càng thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến huyện đạt trên 110 nghìn lượt khách du lịch, bằng 114,47% kế hoạch tỉnh giao, bằng 99% kế hoạch huyện giao và bằng 145,6% so cùng kỳ; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 70.700 triệu đồng, bằng 83,2% kế hoạch giao, bằng 128,8% so cùng kỳ.

Lĩnh vực chăn nuôi luôn thực hiện tốt công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm. Tổng đàn gia súc chính thực hiện đạt 47.442 con (trong đó: Trâu 9.760 con, bò 6.284 con; lợn 29.850 con). Hướng dẫn nhân dân phun tiêu độc khử trùng và tiêm phòng các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm; kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh thú y, tổng đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng và phát triển ổn định.

Trong đó, xây dựng các vùng chuyên canh, đặc sản, dự án nông sản năm 2023 với một số sản phẩm chủ yếu kết quả như sau: Diện tích chè chuyên canh đạt 100 ha bằng 100% kế hoạch; diện tích chè hữu cơ đạt 200 ha, bằng 100% kế hoạch; gà đen đặc sản vùng cao thực hiện đạt 45.600 con, bằng 95,2% kế hoạch; lợn đen bản địa Yên Bái thực hiện đạt 21.080 con, bằng 96% kế hoạch... chỉ đạo nhân dân trồng khoai sọ nương đạt 600 ha bằng 100% kế hoạch giao.

Bên cạnh đó, đường giao thông đi lại được quan tâm đầu tư: Chỉ đạo các ngành và UBND các xã, thị trấn kiểm tra các công trình đường, cầu, cống bị hư hỏng; kịp thời sửa chữa, bảo dưỡng đảm bảo cho nhân dân đi lại an toàn. Đề án phát triển giao thông nông thôn được quan tâm triển khai thực hiện, Ủy ban nhân dân huyện đã phê duyệt chủ trương đầu tư và giao kế hoạch vốn cho 42 công trình với tổng chiều dài 32,32 km, kinh phí đầu tư 20.885,27 triệu đồng. Tiến độ thực hiện, hoàn thành là 16 km đường bê tông và 7,2 km đường đất; số công trình hoàn thành 100% khối lượng là 24 công trình; tiến độ giải ngân vốn ngân sách tỉnh đạt 2.840 triệu đồng/6.584 triệu đồng, bằng 43% kế hoạch.

Đối với công tác giảm nghèo: Huyện đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo năm 2023, hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức rà soát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có khảo năng thoát nghèo và thoát cận nghèo để xây dựng kế hoạch giảm nghèo năm 2023 sát với tình hình thực tế của từng địa phương. Đã tổ chức rà soát lập danh sách được 481 hộ có khả năng thoát nghèo đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ thoát nghèo trong năm 2023.

 Với hướng đi đúng và trúng, huyện Trạm Tấu đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện ngày một đi lên. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, tầm quan trọng sự cần thiết phải đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Đẩy nhanh việc thực hiện các dự án hỗ trợ của Nhà nước, lồng ghép các chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển dịch vụ du lịch tại địa phương, góp phần giúp nhân dân trên địa bàn tăng thu nhập, sớm cải thiện đời sống, vươn lên xóa nghèo bền vững.

Nam Trứ /VPTB