Phát triển vùng chè tập trung, chất lượng cao
Trước đây, Yên Bái có diện tích chè đứng thứ hai toàn quốc, với tổng diện tích hơn 12.000 ha chè. Cây chè thực sự là cây xóa đói giảm nghèo cho hàng vạn nông dân, hình thành nhiều vùng chè tập trung nổi tiếng, như: Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Trấn Yên. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà đến nay diện tích chè trên toàn tỉnh còn khoảng 7.600 ha, cho tổng sản lượng búp tươi đạt hơn 70 nghìn tấn, năng suất đạt 9,8 tấn/ha, không đồng đều giữa các vùng.
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Tỉnh đã rà soát, quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng những vùng chè tập trung quy mô lớn; hỗ trợ người dân thâm canh tăng năng suất diện tích chè hiện có, thực hiện việc trồng mới, trồng thay thế diện tích chè già cỗi bằng các giống cho năng suất, chất lượng cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng; chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người trồng chè áp dụng quy trình trồng chè hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xác định được 4 vùng chè tập trung, có quy mô hàng nghìn ha trở lên; lựa chọn 3 giống chè tiêu biểu, phù hợp; trong đó, Văn Chấn là huyện có diện tích chè lớn nhất của tỉnh Yên Bái, là vùng quy hoạch trọng điểm phát triển cây chè. Bên cạnh việc phát triển chè đặc sản Shan tuyết, huyện đã chỉ đạo chuyển đổi từ chè trung du sang các giống chè lai chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Theo thống kê từ Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 52/105 cơ sở chế biến chè đang hoạt động, các cơ sở còn lại dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu sản xuất. Mặc dù, sản lượng chè khô tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng chỉ đạt khoảng hơn 15,5 nghìn tấn; trị giá trên 850 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 19 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết: Đi đôi với việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tỉnh Yên Bái đang rà soát đánh giá năng lực sản xuất, khả năng tài chính của các đơn vị chế biến. Từ đó, quy hoạch, cấp phép lại mạng lưới các cơ sở chế biến theo hướng có đủ khả năng đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại cho chế biến sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, có công suất phù hợp với nguồn nguyên liệu.
Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ các đơn vị chế biến thông qua xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; xây dựng cơ chế, chính sách cho liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, tiêu thụ chè trên địa bàn với người dân trồng chè trong vùng nguyên liệu. Ngoài ra, còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn ngốc, chứng nhận sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm, xúc tiến thương mại...
Để đạt tiêu chuẩn chè xuất khẩu, bên cạnh giống chè có chất lượng cao thì nguồn nguyên liệu búp chè tươi phải sạch, không có dư lượng hóa chất. Do vậy, các doanh nghiệp chế biến luôn liên kết chặt chẽ, cùng giám sát, đồng hành với các nhóm hộ trồng chè trong vùng nguyên liệu từ khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch. Theo đó, doanh nghiệp chế biến cam kết thu mua với giá cao ngay từ đầu vụ, ngược lại các hộ dân trồng chè cam kết trồng chè sạch, theo hướng hữu cơ.
HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận: Vượt lên giữa làn sóng suy thoái
Trong khi hàng loạt diện tích chè tại tỉnh liên tục giảm, vùng nguyên liệu của HTX DVTH Kiến Thuận (thuộc xã Bình Thuận) vẫn duy trì được mức ổn định, chủ động đầu ra của sản phẩm lẫn dây chuyền sản xuất cung ứng. Điều ấy cũng bởi khi vừa xuất hiện làn sóng thoái trào, ông Đỗ Văn Lửng - Giám đốc HTX Dịch vụ Tổng hợp Kiến Thuận đã lựa chọn con đường khác với nhiều hộ trồng chè trên địa bàn để HTX đứng vững không bị cuốn ra ngoài thị trường.
Thông qua sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái và Liên minh HTX Việt Nam, ông Lửng cùng HTX của mình đã tiên phong trong việc thực hiện liên kết chuỗi, tiến hành ký hợp đồng cung cấp dịch vụ đồng thời bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, hộ liên kết sau đó chế biến và đưa ra thị trường chè thương phẩm. Chuỗi liên kết do HTX kết nối gồm nhiều HTX, doanh nghiệp uy tín như HTX Trường Xuân, HTX Tân Hương, công ty TNHH Hưng Thịnh…. nhằm hỗ trợ các thành viên tham gia chuỗi nâng cao được kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường 300-500 đồng/kg. Trong mạng lưới liên kết “Mạng lưới Nông nghiệp bền vững”, phía HTX có nhiệm vụ dẫn dắt người dân phát triển theo hướng hữu cơ đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất. Còn phía doanh nghiệp sẽ đặt hàng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của HTX, sau đó tiến hành các khâu sơ chế, chế biến sâu để xuất khẩu.
Từ vài ha đến nay vùng nguyên liệu của HTX đã phát triển đến 300 ha và vẫn liên tục gia tăng theo từng năm. Để giữ vững thị trường xuất khẩu, HTX đã xây dựng bản đồ địa giới, đánh dấu rõ ràng vị trí từng hộ thành viên để tạo thuận lợi trong việc quản lý. Bên cạnh yêu cầu nghiêm ngặt trong việc ghi "nhật ký" chăm sóc, HTX thành lập những tổ cơ động để kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các hộ thành viên. Vùng nguyên liệu của HTX phải cách ly với các yếu tố gây ô nhiễm (chuồng trại, nguồn nước ô nhiễm...), quy trình chăm sóc phải đạt chuẩn GlobalGAP (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nguồn nước phải đạt chất lượng).
Ngoài ra, HTX còn thu mua chè đã qua sơ chế của các đơn vị khác, phân loại, chế biến và đóng gói đưa đi tiêu thụ. Hiện sản phẩm chè của HTX ngoài cung cấp cho thị trường trong nước còn xuất khẩu sang các nước như Liên bang Nga, Mỹ… Doanh thu hằng năm rơi vào khoảng 30 tỷ đồng đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho 80 - 100 lao động trong nhà máy và hàng ngàn lao động trồng chè tại địa phương, đặc biệt lao động là các cháu học sinh sau khi tốt nghiệp THPT không có điều kiện học chuyên nghiệp, không có việc làm đa phần là người dân tộc thiểu số với mức thu nhập ổn định.
Sự giao thoa giữa hai thế hệ
Giữa năm 2019, ông Lừng gần như giao phó toàn bộ quyền quản lý HTX DVTH Kiến Thuận cho con trai mình là Phó Giám đốc Đỗ Tuấn Lương. Đặc biệt, thời điểm ấy tình hình các cơ sở kinh doanh - sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Nhiều dịch vụ như cước phí tàu biển, kho bãi, phân bón, than, xăng dầu làm tăng chi phí sản xuất; giao thông liên xã đang được nâng cấp, sửa chữa ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận chuyển, thu mua nguyên liệu. Song, 3 năm qua, thu nhập bình quân của các thành viên HTX DVTH Kiến Thuận vẫn đều đều đạt mức 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 60% so với thời điểm chưa chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012.
Mấu chốt của thành công này khởi nguồn từ tư duy 4.0 mà PGĐ Lương, con trai ông Lửng đã mạnh dạn đề xuất thực hiện. Đó thực sự là thành tựu áp dụng khoa học và công nghệ mà HTX có được trong giai đoạn tưởng chừng khó khăn nhất của dịch bệnh Covid-19. Nói như vậy là bởi Lương sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế ở Úc về có rất nhiều cơ hội, lời mời cộng tác làm việc tại Hà Nội với mức thu nhập cao. Nhưng anh đã chọn trở lại quê hương, về với đồi chè xanh ngắt cùng những người nông dân mà theo cậu: "họ phải được hưởng thành quả xứng đáng từ lao động”. Mang theo tâm huyết bao năm của bố cùng sự tiến bộ, quyết đoán của tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm với nền tảng công nghệ, Lương thực hiện rồi dần được bồi đắp bằng cả lý thuyết lẫn thực tế.
Kết quả nhận được là năm 2019 doanh thu của HTX đạt 30 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 50 thành viên với thu nhập bình quân 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. 100% thành viên HTX hiện đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu, mức thu nhập trung bình 100 – 200 triệu đồng/năm. Khi được hỏi về kết quả sản xuất, kinh doanh của HTX hiện nay, Giám đốc Đỗ Văn Lừng khẳng định: "Nhờ đầu tư áp dụng công nghệ 4.0 trong quản trị điều hành mà HTX đã giảm được nhân công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nếu như trước đây, 1 ca sản xuất phải cần tới 15 công nhân thì nay 2 ca cũng chỉ cần 15 công nhân, công suất máy móc cũng tăng gấp đôi từ 20 - 40 tấn chè búp tươi/ngày. Theo đó, doanh thu của HTX đã tăng từ 10 tỷ đồng lên gần 30 tỷ đồng/năm”.
HTX DVTH Kiến Thuận là minh chứng rõ nét cho sự sáng tạo đổi mới trong lĩnh vực kinh doanh - sản xuất trà. HTX không chỉ vươn lên vượt qua cơn sóng thoái trào mà còn cởi mở học tập và áp dụng công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất chuỗi liên kết của mình. Điều ấy thể hiện tình yêu, mong muốn phát triển sản vật quê hương mãnh liệt, sáng tạo đổi mới trong định hướng kinh doanh và sự ăn ý giữa các thế hệ khi cùng một quyết tâm chung muốn nâng tầm cây chè của nước nhà.