Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, đến nay, diện tích trồng chè toàn tỉnh chỉ còn hơn 7.600 ha, cho sản lượng búp tươi đạt hơn 74.000 tấn/năm; trong đó, có 2.668 ha là chè lai LDP, 1.551 ha chè nhập nội và 1.688 ha chè trung du. Tổng sản lượng chè đen, chè xanh chỉ đạt 20.000 tấn/năm với giá trị sản phẩm đạt gần 400 tỷ đồng.
Một thực tế tại Yên Bái trong những năm qua cho thấy diện tích cây chè sụt giảm gần 5.000 ha là do một phần diện tích chè già cỗi nên năng suất thấp và dân phá bỏ trồng cây khác.
Quy hoạch vùng của tỉnh thiếu đồng bộ, nông dân do chủ động về quyền sử dụng đất nông nghiệp nên thấy cây gì bán được giá là trồng và sẵn sàng phá bỏ cây cũ.
Bởi thế, cả một vùng chè xanh rộng lớn của huyện Văn Chấn trước đây, nay được trồng thay thế bởi cây ăn quả như: Cam, quýt và cây lấy gỗ lớn, nên diện tích giảm khá nhiều.
Gần đây, Yên Bái lại cho phép trồng thử nghiệm cây mắc ca vào diện tích chè Shan mật độ cao ở xã Gia Hội và cho rằng đây là cây tạo bóng mát cho cây chè.
Như vậy, việc chăm sóc, dùng thuốc BVTV cho hai loại cây ăn quả và cây lấy lá là hoàn toàn khác nhau, dễ xảy ra xung đột về sinh trưởng giữa chè và các cây khác, ảnh hưởng đến sản phẩm chế biến của cây chè.
Mặt khác, một bộ phận người làm chè chưa thực hiện nghiêm việc sử dụng thuốc BVTV; chi phí vật tư, nhân công, nguyên nhiên vật liệu tăng cao, giá bán còn thấp, thị trường tiêu thụ chưa bền vững.
Thiết bị, cơ sở hạ tầng chắp vá không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm chủ yếu là bán thành phẩm, sản phẩm thô, không đủ khả năng xuất khẩu trực tiếp mà phải bán cho các đơn vị chế biến trong nước để đấu trộn bán cho các thị trường dễ tính, giá rẻ, kéo theo đời sống, thu nhập của người trồng chè thấp... làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây chè.
Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Trong đó, phê duyệt Đề án Phát triển chè vùng cao, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè đặc sản; gắn phát triển vùng chè shan tuyết cổ thụ tại các xã: Suối Giàng, Sùng Đô, Nậm Mười, huyện Văn Chấn; Phình Hồ, Bản Mù, Xà Hồ, huyện Trạm Tấu với phát triển du lịch sinh thái.
Để phát triển bền vững cây chè, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái cho biết: "Đến nay, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành việc quy hoạch, bảo vệ và phát triển cây chè Shan tuyết đặc sản chè theo hướng an toàn, bền vững, canh tác hữu cơ. Nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu chè Suối Giàng, hỗ trợ các hộ, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh chè làm giàu từ cây chè. Gắn việc bảo vệ và phát triển vùng chè với phát triển khu du lịch sinh thái của cộng đồng dân tộc Mông".
Phát triển cơ sở hạ tầng đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch và các tiêu chí trong đề án xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tiếp tục hướng dẫn nông dân tiến hành đốn chè vào tháng 12 hàng năm, khi đốn cần tránh làm cho cành bị vỡ, dập.
Hái chè đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng "một tôm hai lá, một cá hai chừa”. Khuyến khích việc sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh vào trong sản xuất, bảo vệ chất lượng sản phẩm và xây dựng thành công các vùng chè an toàn VietGAP và hữu cơ.
Với chủ chương tăng cường chính sách hỗ trợ, cơ cấu lại các vùng sản xuất chè gắn với công nghiệp chế biến, tỉnh Yên Bái đang nỗ lực phục hồi cây chè trở thành 1 trong 10 cây trồng chủ lực trong thời gian tới.
Ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, để khôi phục lại diện tích trồng chè, lấy lại thương hiệu từ sản phẩm chè, tỉnh Yên Bái đang chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng giảm tỷ trọng chè đen từ 85% xuống còn 65%; tăng tỷ trọng sản phẩm chè xanh từ 15% lên 35% và chè đặc sản. Đồng thời, tiếp tục làm tốt việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và sở hữu trí tuệ.
Trong thời gian tới, diện tích chuyên canh tập trung sẽ tăng lên khoảng 5.000 ha; trong đó, diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... đạt 1.500 ha. Cùng đó, phát triển mở rộng thêm diện tích chè Shan đặc sản hữu cơ khoảng 2.200 ha, đưa sản lượng chè Shan búp tươi đạt 7.000 tấn/năm.
Dự kiến đến năm 2025, sản lượng chè búp tươi sẽ đạt 15.000 tấn/năm; trong đó, sản lượng chè xanh, chè ôlong chất lượng cao đạt 3.000 tấn/năm. Vùng nguyên liệu sản xuất chè xanh được quy hoạch gắn với các cơ sở chế biến tại các vùng trồng chè truyền thống thuộc thị xã Nghĩa lộ và huyện Văn Chấn.
Đối với vùng chè đặc sản, Yên Bái chủ trương tăng diện tích hiện có đối với khu vực có đủ điều kiện và áp dụng quy trình trồng chè Shan cải tiến theo hướng hữu cơ với mật độ từ 6.000 - 6.500 cây/ha. Trọng tâm trước mắt là cải tạo và phát triển diện tích vùng chè Shan trồng mật độ cao tại khu vực xã Gia Hội, Nậm Búng, huyện Văn Chấn với quy mô diện tích từ 800 - 1.000 ha. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng mới 4 cơ sở chế biến chè Shan chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mong rằng, với sự quyết liệt và những chính sách thiết thực của tỉnh Yên Bái, những khó khăn, bất cập phát triển cây chè sẽ nhanh chóng được khắc phục, sớm đưa cây chè của tỉnh Yên Bái trở lại đúng với vị thế và tiềm năng vốn có, mang lại thu nhập cao, bền vững cho người dân vùng chè.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.