Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, tỷ lệ CIR quý III là 35,6% thấp hơn cùng kỳ 4 điểm % nhờ tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động tốt. ACB tiếp tục ghi nhận chi phí dự phòng thấp trong quý III, chỉ khoảng 90 tỷ đồng (giảm 133,7% so với quý trước và giảm 89% so với cùng kỳ năm ngoái). Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý III/2022 tăng mạnh 71,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.475 tỷ đồng.
Báo cáo phân tích của KBSV cũng cho biết, danh mục tài sản sinh lãi của ngân hàng đang hấp thụ những biến động của lãi suất tương đối tốt. Lợi suất tài sản bình quân tăng 0,46 điểm % so với quý trước. Chiến lược cơ cấu lại nguồn vốn hiệu quả giúp chi phí huy động bình quân chỉ tăng khoảng 0,33 điểm % so với quý trước. Nhờ đó, NIM quý 3 cải thiện 0,2 điểm % so với quý trước, đạt 4,49%.
Cũng theo KBSV, tín dụng vẫn đang đi đúng kế hoạch của ngân hàng khi tăng 11,1% sau 9 tháng. Tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân tăng lên 65% (2021: 63%), dư nợ tăng 18,4% so với thời điểm đầu năm. Dư nợ nhóm SME và WB lần lượt tăng 7,4% và 14,8%. Tổng nguồn vốn huy động tăng 4,1% với động lực chính đến từ giấy tờ có giá (tăng 31,1%) và tiền gửi khách hàng (tăng 3,2%). LDR vẫn trên 83% sát quy định 85%, tuy nhiên Ban lãnh đạo tự tin ngân hàng vẫn có thể kiểm soát được vấn đề thanh khoản.
Theo KBSV, đây là quý đầu tiên kể từ năm 2017 mà NPL của ACB chạm ngưỡng 1% (tăng 0,25 điểm % so với quý trước). Được biết nợ xấu quý 3 tăng chủ yếu đến từ nợ tái cơ cấu tuy nhiên ngân hàng đã trích lập đầy đủ và dự kiến có thể thu hồi trong tháng 11, 12 nên không quá lo ngại. Dự phòng nợ xấu giảm còn 137,8%.
Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2022 của cổ phiếu ACB là 28.000 đồng/CP, cao hơn 32.8% so với giá tại ngày 18/11/2022, đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.