Theo đó, hàm lượng nước chứa trong các bộ phận của cây như sau: Rễ hút: 54,5%; cành non: 75%; cành già: 48%, hàm lượng nước trong búp chè và nhu cầu nước thay đổi theo giống, mùa vụ và thời tiết.
Đối với cây chè vụ đông, nhu cầu nước của chè trong vườn ươm là không cao, tuy nhiên vẫn cần tưới nước thường xuyên. Từ giai đoạn cây non đến cây trưởng thành thì nhu cầu nước, giữ ẩm cho cây chè cũng tăng lên.
Việc giữ ẩm cho cây chè là một công việc rất quan trọng, ngoài biện pháp tưới nước cần áp dụng các biện pháp trồng trọt tổng hợp như xới đất, cày đất, làm cỏ, mật độ cây và phương pháp trồng hợp lý, chọn giống chịu hạn, tủ đất, ủ đất... để thỏa mãn nhu cầu nước trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây nhằm mục đích tăng phẩm chất của chè.
Sau khi cày bừa vụ đông xuân khô hạn, tủ gốc hay phủ rác lên toàn bộ diện tích chè kết hợp với tưới nước để tạo ẩm và giữ độ ẩm cho cây là vô cùng cần thiết để giảm lượng tưới. Biện pháp này tăng năng suất chè lên tới 35-50%.
Xuất phát từ thực tế trên, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã nghiên cứu, thu được kết quả từ Đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất chè vụ Đông - Xuân để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm chè ở vùng miền núi phía Bắc”. Theo đó, để nâng cao giá trị sản phẩm chè ở các tỉnh miền núi phía Bắc vụ đông - xuân, bà con cần thực hiện nghiêm ngặt những kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè.
Thứ nhất, trong điều kiện bình thường (không tưới nước) sản lượng chè có tương quan thuận với nhiệt độ và lượng mưa ở cả 3 địa điểm nghiên cứu. Sản lượng chè của các tháng có lượng mưa trung bình trên 100mm tại Thái Nguyên, Hòa Bình và Lai Châu chiếm lần lượt 75,5%, 91,5% và 76% tổng sản lượng chè cả năm.
Thứ hai, bà con tưới nước bổ sung trong vụ đông xuân (từ tháng 10 đến hết tháng 3) với mật độ 5 ngày/1 lần, lượng tưới 1000m3/ha/tháng. Điều này đã làm tăng số lứa hái chè trong vụ đông xuân lên 4 lứa, tăng sản lượng vụ đông xuân lên 15,25 lần, tăng tỷ lệ chè loại A, B lên 86,4% và cho thu lợi nhuận 87,267 triệu đồng/ha, cao nhất trong các công thức thí nghiệm.
Thứ ba, sử dụng rơm, rạ với lượng 30 tấn/ha kết hợp với hạt polymer siêu ngậm nước với lượng 50kg/ha.
Thứ tư, sử dụng các phương pháp giữ ẩm trong điều kiện có tưới nước đã làm tăng sản lượng chè cả năm 17%, đạt 95,35 tạ/ha, lợi nhuận đạt 104,0 triệu đồng/ha, tăng 38% so với đối chứng.
Thứ năm, trong điều kiện có tưới nước thời vụ đốn có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng búp chè. Công thức đốn 15/4 rút ngắn thời gian từ đốn đến thu hái lứa đầu 32 ngày, đồng thời kéo dài thời gian cho thu hoạch búp 16 ngày, nâng sản lượng vụ đông xuân lên 29,08%, cho lợi nhuận đạt 88,76 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 40%.
Thứ sáu, đối với cây chè vụ đông - xuân, bón tăng 30% lượng phân khoáng (N, P, K) trong điều kiện có tưới nước bổ sung đã làm cho cây chè sinh trưởng mạnh hơn, sản lượng vụ đông xuân tăng 9%, sản lượng cả năm tăng 19%, lợi nhuận đạt 99,58 triệu đồng/ha cao hơn đối chứng 16%.
Thứ bảy, trong điều kiện tưới nước, bón phân đạm với tỷ lệ 20%:20:10%:10%:20%:20% vào các tháng 1,3,5,7,9,11 làm cho cây chè sinh trưởng mạnh hơn, tăng số lứa hái trong vụ đông xuân lên 5 lứa, tăng sản lượng vụ đông xuân lên 33,26% tổng sản lượng cả năm, lợi nhuận đạt 108,6 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 18,5%.
Thứ tám, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào mô hình ở các địa phương đã nâng tỷ trọng sản lượng chè vụ đông - xuân lên từ 26,8 - 33,6% tổng sản lượng chè cả năm, lợi nhuận đạt từ 64,8 đến 133,4 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng từ 2,5 đến 3,6 lần so với đối chứng.
Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Trần Văn Thái, xóm Cầu Bình 2, xã Vô Tranh (Phú Lương) - người làm chè đông trên diện tích 2.000m2: Chè vụ đông có chất lượng tốt, vị đậm và thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn chè chính vụ, đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ chè rất lớn. Làm chè trái vụ đòi hỏi phải đầu tư hệ thống nước tưới và mất nhiều công chăm sóc nhưng có ưu điểm là mùa đông chè ít sâu bệnh, không cần phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật.
Do đó, ngay từ đầu tháng 8, sau khi thu hái lứa chè chính vụ cuối cùng, gia đình ông Thái đã tiến hành cúp tán và tập trung chăm sóc để thu hái lứa chè đông. Đảm bảo hệ thống nước tưới liên tục tối thiểu từ 5- 7 ngày phải tưới 1 lần. Bên cạnh đó, gia đình ông Thái còn ủ phân vi sinh từ rơm rạ để bón bổ sung, kịp thời cung cấp dinh dưỡng và giữ ấm cho cây chè vụ đông.
Để cây chè sinh trưởng tốt cho năng suất cao, ông Thái cho biết thêm, trong thời gian cây chè nghỉ qua đông cần chú ý tập trung chăm sóc một số khâu chính sau đây: Sau khi đốn cần thu dọn thân và cành to ra bờ, vùi lấp cành tăm hương và lá chè theo hàng chè để tăng chất mùn (ép xanh). Những nương chè đến kỳ bón phân hữu cơ và phân lân thì kết hợp việc ép xanh với bón phân hữu cơ và phân lân cho chè. Đồng thời phun một lượt thuốc lên thân và cành tán chè để diệt sâu bệnh. Xới sạch cỏ trong gốc chè, cày và cuốc lật giữa hai hàng chè làm cho đất tơi xốp, hạn chế bốc hơi nước.
Phương pháp tưới cho cây chè vụ đông
Phương pháp phổ biến ở Việt Nam chủ yếu là tưới gốc và tưới rãnh, ngoài ra còn có hình thức tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt hình thức trải theo luống chè công nghệ Israel.
Đối với hình thức tưới phun mưa được áp dụng phổ biến tại Việt Nam từ xưa đến nay bằng việc sử dụng các thiết bị tưới như: Béc tưới cánh đập đài loan, Béc tưới Ducar Thổ Nhĩ Kỳ...
Đặc biệt, vào mùa đông, hình thức tưới nhỏ giọt (van xoay) được áp dụng cho những vùng có khan hiếm về nguồn nước, thiếu thốn về nhân lực. Đây là hình thức trải theo luống của hàng chè được áp dụng theo mô hình tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Mô hình này được ngành nông nghiệp Việt Nam áp dụng phổ biến, bởi hình thức tưới nhỏ giọt ngày càng thể hiện được những lợi ích tưới nhỏ giọt mang lại.
Theo ông Lương Văn Đảo, trưởng xóm La Cút (Đại Từ - Thái Nguyên), trên bãi chè tập trung có diện tích 4 ha của gia đình, thông qua cơ chế đối ứng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã hỗ trợ xây dựng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay. Việc đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay đưa đến cho gia đình ông hiệu quả "1 vốn 4 lời". Bên cạnh đó, qua giới thiệu về công năng của hệ thống tưới mới cũng như thực tiễn hoạt động của nó trên nương chè thì ngoài tưới, hệ thống còn có thể giúp người làm chè phun thuốc bảo vệ thực vật hay tưới phân vi sinh dạng lỏng.
Trước đó, việc tưới chè chủ yếu được thực hiện qua việc dùng máy bơm áp lực, sử dụng nhiều họng nước trên nương chè để đấu nối. Cách làm cũ không thể đảm bảo được cường độ, lượng nước tưới ổn định phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của cây trồng.
Với hình thức tưới nhỏ giọt (van xoay), nước từ các van xoay sẽ phun mưa đều trên lá, trên luống chè như cơn mưa tự nhiên. Nước không chỉ được tưới đều, tưới đủ mà còn cải tạo được khí hậu cho những đồi chè, gò chè cao, có địa hình dốc.
Dinh Dinh