Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, chè Lâm Đồng tìm cách gỡ khó

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Chỉ thị 16 của Chính phủ được áp dụng đã khiến cho nhiều hộ dân, doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành gặp khó khăn... Chi hội Chè tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản kiến nghị gửi tới Hiệp hội Doanh nghiệp cùng các cơ quan chức năng địa phương nhằm tìm ra giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho ngành chè của tỉnh.

Từ lâu cây chè được tỉnh Lâm Đồng xác định là cây xoá đói, giảm nghèo và làm giàu của nông dân đồng thời là một trong những cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường. Hiện nay, tổng diện tích chè trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 25.929 ha... Trong đó, diện tích chè đang cho kinh doanh 23.791 ha, hằng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 183.571 tấn.

Số liệu của Hiệp hội Chè Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có 125.000ha chè. Trong diện tích này, cây chè Lâm Đồng chiếm khoảng 21% với năng suất trên 70 tạ/ha, mỗi năm Lâm Đồng đạt sản luợng khoảng 162.000 tấn chè búp tươi, chiếm gần 27% sản lượng chè cả nước. Thu nhập trên mỗi hecta chè Lâm Đồng đạt cao nhất nước – trên 280 triệu đồng/năm/ha và đứng đầu về giá xuất khẩu.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 155 công ty chế biến chè với công suất 29.871 tấn/năm và 90 cơ sở chế biến chè với quy mô 17.437 tấn/năm, tập trung tại các thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm và Lâm Hà.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 155 công ty chế biến chè với công suất 29.871 tấn/năm và 90 cơ sở chế biến chè với quy mô 17.437 tấn/năm, tập trung tại các thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm và Lâm Hà.

Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 được giới chuyên gia nhận định cho thấy, diện tích chè và sản lượng của tỉnh Lâm Đồng sụt giảm 50% về cả năng suất và sản lượng so với những năm trước, do chè búp tươi mất giá và cây chè chịu sự cạnh tranh của các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020 đến nay, sản lượng xuất khẩu chè của Lâm Đồng đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy có thể thấy rằng ngành chè đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về cả trước mắt lẫn lâu dài, khiến người trồng chè và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

Ông Đoàn Trọng Phương - Phó Chủ tịch Chi hội Chè Lâm Đồng cho biết, ngành chè tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay đang gặp phải những khó khăn nhất định trong việc phòng chống dịch cũng như việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Chính vì vây, Chi hội đã tập hợp phản ánh của các doanh nghiệp, hội viên sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh nhằm kiến nghị giải pháp.

Cụ thể, đối với nhà máy chè hiện nay, nguồn nguyên liệu chè búp tươi được sản xuất, thu hái từ các hộ người dân, bán cho nhà máy, vào thời điểm bán chè từ 11 giờ đến 19 giờ có rất đông người dân đến giao chè, có lúc cả trăm người trong cùng một thời điểm. Vì thế, vô hình chung việc thực hiện giãn cách phòng dịch Covid-19 đang gặp khó khăn và không đảm bảo theo chỉ thị 16/CP và chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh đó, chè búp tươi của người dân đến lứa hái không bán được có khả năng mất trắng bởi doanh nghiệp sản xuất chè không thể hoạt động do không đảm bảo đủ điều kiện 3 tại chỗ đang khiến cho người dân bức xúc.

Trong việc xuất khẩu chè tại tỉnh Lâm Đồng, sản phẩm được đóng hàng giao lên xe Container đã được Bộ Công Thương có hướng dẫn thuộc diện ưu tiên “luồng xanh”, “một cung đường, hai điểm đến". Tuy nhiên, tại địa phương đang qui định xe giao nhận hàng hóa ngoài tỉnh vào phải được tập hợp tại địa điểm tập kết hàng và lái xe ăn, ở theo địa chỉ đã qui định.

Chi Hội chè tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, đối với xe chở xuất khẩu được đóng hàng trên Container được nhận hàng tại kho nhà máy, không phải trung chuyển hàng về nơi tập trung để giao. Với điều kiện lái xe đảm bảo đầy đủ các điều kiện về phòng chống dịch Covid-19.

Kèm theo đó, cần có giải pháp về việc phân vùng xanh để có giải pháp cho phép doanh nghiệp được sản xuất và có sự giám sát của tổ Covid-19 cộng đồng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân sản xuất chè và cho doanh nghiệp để thực hiện được hợp đồng đã ký với nước ngoài. Vùng nguyên liệu chè và nhà máy sản xuất chè ở vùng xanh sẽ được cho phép sản xuất. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đến việc tiêm Vaccine cho cán bộ quản lí, nhân viên, công nhân của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, hiện nhiều loại nông sản của Việt Nam đang trong vụ mùa thu hoạch với sản lượng lớn. Nhưng thời gian qua, các địa phương phản ánh đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nông sản trong vùng dịch an toàn khi tiêu thụ, khó khăn khi vận chuyển nông sản ra ngoài vùng dịch. Cùng với đó là những khó khăn về con người khi bị cách ly trong vùng dịch, thiếu lao động duy trì sản xuất, việc kiểm dịch của đơn vị chuyên môn tại các vùng dịch bị cách ly y tế rất khó khăn...

Đồng thời việc vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương cũng đang gặp rất nhiều trở ngại. Các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết khi không cho phép xe vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua, dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với tài xế và hàng hóa. Không chỉ vậy, các địa phương cũng phản ánh gặp nhiều khó khăn do cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí cầu đường và lưu thông vận chuyển tăng.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.