Anh Huy hiện đang là chủ của một homestay tại khu vực ngoại thành Hà Nội cho biết, đối với mô hình kinh doanh lưu trú nghỉ dưỡng luôn đem lại nguồn lợi nhuận dồi dào. Trước thời điểm dịch bệnh bùng phát, các cơ sở của anh đều trong tình trạng cháy phòng. Mỗi ngày cũng đều có đến 50 khách hàng, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn bộ homestay đều đang phải bỏ không.
Lâm vào hoàn cảnh tương tự, anh Lê Hoàng Trung – Chủ homestay tại huyện Bà Vì, Hà Nội buồn bã kể lại, trong quá trình lập nghiệp của mình, anh đã bỏ nhiều công sức để tìm hiểu về mô hình này. Nhận thấy tiềm năng phát triển lợi nhuận cực lớn, kèm theo đó là mô hình vẫn chưa được nhân rộng. Anh đã quyết định huy động người thân hỗ trợ và vay vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, vốn vẫn chưa kịp hoàn thì đã phải đóng cửa. Trong khi đó, anh vẫn đang gánh trên vai khoản lãi từ phía ngân hàng.
"Năm 2020 nhúc nhắc mỗi đợt mở cửa du lịch còn được một vài đoàn khách, nhưng bước sang năm nay dịch bùng phát mạnh, các hoạt động đóng băng. Trong khi đó, gia đình mới vay mượn, đầu tư xây dựng homestay này từ cuối năm 2019, chưa kịp hoàn vốn. Bao nhiêu tâm huyết, công sức bỏ ra nhưng do không thể gánh nổi khoản lãi hàng tháng nên tôi đành rao bán lỗ 14 phòng cùng hệ thống nhà hàng, bếp ăn chỉ với giá hơn 10 tỷ đồng." - anh Trung chia sẻ.
Một trường hợp khác của chị Bích Thủy tại huyện Thanh Trì Hà Nội, nhận thấy tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp cũng như nguồn khách chưa thể quay trở lại trong thời gian tới. Do đó chị đã quyết định ngừng kinh doanh, trả nhà trước kỳ hạn dù hợp đồng còn sáu tháng, chấp nhận lỗ để tìm cơ hội đầu tư mới. “Không riêng gì gia đình tôi mà hầu hết các homestay tại khu vực này đều đang ế ẩm. Nếu tình trạng này kéo dài, chỉ vài ba năm nữa các chủ kinh doanh sẽ phá sản vì phần lớn đều vay vốn ngân hàng. Không có khách, thu không đủ bù chi thì lấy gì trả nợ ngân hàng”, Chị Thủy buồn bã.
Tổng cục Thống kê cho biết, hiện Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Theo thống kê, tính chung sáu tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 55,7 nghìn lượt người, chiếm 63,2% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 98,2%; bằng đường bộ đạt 32,3 nghìn lượt người, chiếm 36,6% và giảm 94,2%; bằng đường biển đạt 216 lượt người, chiếm 0,2% và giảm 99,9%.
Doanh thu du lịch lữ hành sáu tháng ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế để khống chế dịch COVID-19, đồng thời một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên du lịch nội địa kém sôi động. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Bắc Ninh giảm 61,8%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 53,6%; Hải Phòng giảm 46,5%; Hà Nội giảm 44,3%; Đà Nẵng giảm 43,5%; Quảng Ninh giảm 36,6%; Cần Thơ giảm 20,3%.
Nhiều môi giới bất động sản chia sẻ, nợ ngân hàng đang là lý do lớn nhất khiến nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, homestay phải bán tài sản. Đa phần chủ đầu tư khách sạn đều phải vay ngân hàng, ít thì vài trăm triệu, nhiều có khi lên tới hàng tỷ đồng. Dịch bệnh gần 2 năm qua đã khiến họ gặp khủng hoảng tài chính nặng nề nên buộc phải bán tháo những tài sản đang có. Họ không thể chờ đến thời điểm dịch bệnh ổn định, nguồn khách quay lại do số nợ đang nhân lên từng ngày.
Nghe rao bán một khu homestay khoảng 10-20 tỷ là rất lớn nhưng thật ra các chủ cơ sở đều đã chấp nhận bán lỗ. Dịch bệnh phức tạp và diễn biến kéo dài. Nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh giữ không được mà bán không xong. Trong khi đó, tiền của người dân hiện giờ cũng không còn sẵn như lúc chưa xảy ra dịch bệnh nên để tìm kiếm được khách hàng tiềm năng cũng không phải điều dễ dàng…
Hiện nay, nhiều người đang kinh doanh mô hình homestay vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh chưa được kiểm soát. Đối với những người vay ngân hàng để đầu tư lại đang vướng phải bài toán lãi suất. Dẫu vậy, nhiều người vẫn tỏ ra lạc quan và hy vọng khi vaccine Covid-19 được triển khai tiêm chủng rộng rãi, trạng thái “bình thường mới” sẽ sớm được thiết lập thì việc kinh doanh cũng theo đó dần ổn định.