Khắc phục hạn chế trong công tác quản lý.
Nhằm khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, Chỉ thị 14-CT/TU đã nêu rõ, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đô thị và trật tự xây dựng là những công việc thường xuyên, quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó công tác quy hoạch luôn phải đi trước nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển đô thị, nông thôn của Thủ đô.
Chỉ thị số 14-CT/TU có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm Thủ đô đang thực hiện đồng bộ khối lượng công việc lớn liên quan đến quy hoạch, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn toàn mới, đây được xem là bước đột phá nhằm phát triển Thủ đô nhanh, bền vững - TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
“Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về quy hoạch, Sở luôn quán triệt việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dự báo, có tính khả thi, bền vững trong tương lai, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch trong thời gian ngắn. Ngoài ra, chú trọng công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân giám sát, quản lý quy hoạch” - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho hay.
Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, tất cả quy hoạch cần phải được công khai, minh bạch có sự tham vấn của cộng đồng dân cư, sau khi xây dựng được một đồ án quy hoạch tốt, các thiết kế đô thị mới chuẩn đảm bảo về kết nối hạ tầng, kiểu mẫu, chiều cao công trình...
“Ở nước ngoài, họ thành lập các nhóm cử tri, được chọn lọc để tham vấn cho công tác quy hoạch bởi không phải ai cũng có thể cho ý kiến. Công khai quy hoạch là công khai quy hoạch chi tiết để mọi người xem và hiểu chỗ nào là vườn hoa, trường học… Nếu chúng ta thực hiện được công khai như nước ngoài thì sẽ không có những hệ luỵ xảy ra” - KTS Phạm Thanh Tùng cho biết thêm.
Chạy đua đầu tư mặt bằng kinh doanh tại các đại đô thị
Thị trường bán lẻ đang dần sôi động trở lại khi trạng thái bình thường mới được thiết lập. Báo cáo mới công bố của Savills châu Á - Thái Bình Dương về thị trường bán lẻ cho hay, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có thị trường bán lẻ tại các TP lớn phục hồi nhanh nhất. Hà Nội, TP.HCM vẫn duy trì mức tăng trưởng giá thuê khoảng 0,5-13%.
Đại diện bộ phận thuê mặt bằng một chuỗi dịch vụ lớn ở TP.HCM cho biết, việc tìm kiếm những mặt bằng kinh doanh lý tưởng, có vị trí đẹp, có lượng khách hàng sẵn có đông đúc… là không hề dễ. Vị này cho hay, xu hướng hiện nay là khách thuê dần dịch chuyển từ các mặt tiền phố đắt đỏ sang các nhà phố kinh doanh tại đại đô thị sầm uất nhằm cân đối lại chi phí, tăng khả năng tiếp cận nguồn khách tại chỗ thay vì vãng lai.
Chính sự năng động, bền vững của thị trường dịch vụ, bán lẻ đã thu hút nhiều ông lớn bán lẻ trong và ngoài nước. Bà Trần Phạm Phương Quyên - quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills TP.HCM cho biết, gần đây nhiều thương hiệu trong và ngoài nước liên tục cho ra mắt điểm bán mới với quy mô lớn lên đến hàng nghìn mét vuông tại TP.HCM.
Giới chuyên gia đánh giá, phân khúc mặt bằng cho thuê tại các đại đô thị hiện đại quanh TP.HCM hiện có nguồn dư địa “màu mỡ”, khả năng tăng trưởng đều trong dài hạn bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, hiện cả nước đã trở lại trạng thái bình thường mới, mọi hoạt động xã hội chắc chắn sẽ ổn định, tạo niềm tin lớn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, với lợi thế về dân số và mức độ đô thị hoá sẵn có, TP.HCM vẫn là mục tiêu của các nhãn hàng quốc tế. Chưa kể, tầng lớp cư dân trẻ, số lượng người giàu có tập trung ở các đô thị danh tiếng, khả năng tăng trưởng ngành bán lẻ… là những lý do để giới đầu tư sẵn sàng xuống tiền ở những dự án được ví như con gà “đẻ trứng vàng” trên mặt bằng bán lẻ.
Thái Nguyên điều chỉnh bảng giá đất để chống thất thu thuế
Vừa qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh.
Theo đó thời gian qua công tác quản lý thuế vẫn còn tồn tại tình trạng người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng không đúng giá thực tế, do đó, Chủ tịch tỉnh có ý kiến chỉ đạo các Sở ngành, địa phương phối hợp thực hiện các biện pháp nhằm chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
Cơ quan thuế phối hợp với các sở, ngành, địa phương thu thập giá giao dịch thực tế tại các sàn giao dịch BĐS, giá bán của chủ đầu tư, giá giao dịch bất động sản tương tự tại sàn giao dịch nơi sản phẩm của chủ đầu tư chuyển nhượng. Đồng thời tăng cường trao đổi thông tin với chủ đầu tư và các bên có liên quan về giá giao dịch trên thị trường.
Cũng liên quan đến vấn đề về giá, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Cơ quan này cũng cần có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Sở Tư pháp yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng BĐS kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, để làm căn cứ tính thuế theo quy định.
Công an tỉnh Thái Nguyên xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng BĐS có dấu hiệu trốn thuế nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với cơ quan thuế, ban quản lý đô thị, chung cư lập danh sách các cá nhân, tổ chức cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng kinh doanh,... để rà soát hồ sơ đăng ký thuế, kê khai thuế.
Loạn mua bán, chuyển nhượng đất ven biển Quảng Ngãi
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc kiểm tra, kiểm soát tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất ven biển.
Cụ thể, tỉnh này cho biết, hiện nay, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất ven biển, nhất là dọc theo tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh diễn ra phức tạp và có nhiều trường hợp lợi dụng việc này để trục lợi.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh yêu cầu UBND các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và TP. Quảng Ngãi khẩn trương chủ trì, tổ chức kiểm tra, có biện pháp kiểm soát, xử lý để ngăn chặn tình trạng trên.
Đồng thời, các đơn vị được giao có trách nhiệm tăng cường quản lý về giao dịch chuyển quyền sử dụng đất đai, cho phép tách thửa và xác nhận cho phép chuyển nhượng đất ở, đất nông nghiệp và đất rừng không đúng quy định pháp luật để không làm ảnh hưởng đến các dự án đầu tư sau này được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định, hoàn thành trước ngày 10/4/2022.
Phân lô bán nền trái phép ở Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị dừng tách thửa
Mới đây, lãnh đạo huyện Đất Đỏ đã trực tiếp đi khảo sát thực địa để làm rõ tình trạng làm đường trên đất nông nghiệp và phân lô, bán nền trái phép ở một số khu vực trên địa bàn.
Qua khảo sát thực địa cho thấy, thửa đất nằm sát đường Lê Văn Một, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ diện tích hơn 21.600 m2 do bà Nguyễn Thị Th. đứng tên (được cấp giấy CNQSDĐ tháng 9/2020). Đến tháng 12/2021, bà Th. ủy quyền khu đất cho ông Nguyễn Lam T., đồng thời đề nghị cơ quan chức năng cho tách thành thửa.
Tháng 1/2022, khu đất được tách thành 41 thửa. Tuy nhiên, khu đất trên thực tế không canh tác nông nghiệp mà có dấu hiệu bị chủ đất cắm cọc phân lô và đổ đá làm đường trên đất nông nghiệp. Đây là hành vi sử dụng đất sai mục đích.
Chính quyền thị trấn Đất Đỏ và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện đã đo đạc, kiểm tra hiện trạng để xử lý hành vi vi phạm của chủ đất. Trước đó, ngày 14/3, sau khi có chỉ đạo của huyện xử lý đối với chủ thửa đất này, UBND thị trấn cũng đã tiến hành phá dỡ các con đường tự mở, trả lại hiện trạng ban đầu khu đất.
Còn tại thửa đất số 1764, tờ bản đồ số 1, TT. Đất Đỏ do ông Phạm Minh C. làm chủ. Ông C. đã tách thành 26 lô đất và quy hoạch là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, tại thời điểm khảo sát, khu đất này có một con đường cấp phối rải đá dăm do chủ đất tự mở, trên đất có treo bảng bán đất. UBND huyện yêu cầu UBND thị trấn làm việc, xử lý và khắc phục trả lại hiện trạng trước ngày 25/3.
Bình Phước: Giới đầu cơ ồ ạt rao bán đất, phân lô bán nền
Sau khi Thủ tướng Chính phủ khảo sát để xem xét đề xuất xây dựng dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với Sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) tạo liên kết vùng, giới đầu cơ ồ ạt kéo về huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước rao bán đất, phân lô bán nền.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực ngã ba ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi có nhiều "cò đất," môi giới đất với hàng chục ôtô, xe máy từ nhiều địa phương khác đỗ thành hàng dài.
Những người dân ở khu vực này cho biết người đi mua bán đất bắt đầu kéo về đây sau khi Thủ tướng cùng đoàn công tác khảo sát thực địa khu vực cầu Mã Đà vào ngày 20/3.
Trước đó, giá nền đất ở khu vực này một mét ngang chỉ hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, thời điểm này, giá đất đã tăng gần gấp ba, lên gần 300 triệu đồng, thậm chí có những lô giá một mét ngang lên đến trên 300 triệu đồng.