Mặt bằng giá bất động sản hạ nhiệt.
Cùng đó, số liệu của Viện Kinh tế xây dựng cũng cho thấy, đến quý III/2021, giá vật liệu xây dựng tăng khoảng 20% so với năm 2020 và đà tăng này vẫn tiếp diễn.
Sang đến tháng 2/2022, so với thời điểm cuối năm 2021, giá nhiều loại vật liệu xây dựng lại tiếp tục tăng thêm. Cụ thể như giá bê tông tăng 3%, nhôm kính tăng 15%, xi măng tăng 8%, sắt thép tăng 4%.
Việc giá vật liệu xây dựng liên tục tăng trong thời gian ngắn cũng là một trong những yếu tố góp phần đẩy mặt bằng giá bất động sản lên cao; thậm chí thiết lập mặt bằng giá mới tại một số phân khúc.
Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, trong tháng 1/2022, giá chung cư tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng lần lượt là 4,6% và 1,8% so với trung bình giá của cả năm 2021.
Mức độ quan tâm đến loại hình chung cư ở hai thành phố lớn trong tháng 2 cũng tăng đáng kể so với tháng trước đó, Hà Nội tăng 23%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 22%.
Thêm một yếu tố nữa tác động đến thị trường là lực cầu vẫn rất dồi dào trong khi nguồn cung lại chưa đủ để đáp ứng cũng là tác nhân kéo giá bất động sản đi lên.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 làm gián đoạn một số hoạt động kinh doanh, sản xuất, cùng đó, thị trường chứng khoán hay tiền ảo lại liên tục biến động, khó nắm bắt...
Vì vậy, nguồn tiền lớn vẫn đang tìm đến bất động sản khi nhu cầu đầu tư và sở hữu loại hình tài sản này trong dân vẫn luôn cao.
Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam đầu năm 2022 của Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận, 92% người được hỏi đang có ý định mua nhà, hơn 75% chủ sở hữu bất động sản muốn mua thêm một tài sản khác trong khi vẫn giữ bất động sản hiện tại.
Quay cuồng sốt đất vùng cát, nở rộ “cò phố, cò quê”
Trong quá trình tìm hiểu tư liệu cho bài viết, chúng tôi đã gặp nhiều cơ quan, đơn vị liên quan, cũng như giới kinh doanh bất động sản và người môi giới bất động sản (cò đất) để tìm hiểu, và nhiều người đều chung nhận định, giá đất ở nhiều nơi địa bàn tỉnh Quảng Bình bị đẩy quá cao, hoàn toàn không đúng với giá trị thực tế.
Một công chứng viên chuyên công chứng các hợp đồng bất động sản cho biết, có nhiều lô đất mới ba bốn tháng đã bán đi bán lại qua tay đến công chứng đặt cọc hàng chục lần. Thường thì các cò đất hay nhà đầu tư chỉ viết giấy cọc ít khi công chứng nhưng cũng có những người cẩn thận, đặt cọc giá cao để tránh bị bẻ cọc nên họ công chứng. Giá đất tăng chóng mặt, nên không ít nhà đầu tư ở nhiều nơi khác mang tiền đến đầu tư để mua đi bán lại là chính. Vì mua đi bán lại kiểu lướt sóng nên việc đặt cọc, viết giấy cọc… hầu như nhà đầu tư giao cho các “cò môi giới”. Và khi tìm được đất để giới thiệu cho nhà đầu tư thì cò lại đẩy giá thêm một vài giá để kiếm tiền lãi. Vì vậy, nhiều người nói “cò đất” là trung gian đứng giữa không cần bỏ vốn, nhưng có những “cò” mát tay chỉ làm vài ba tháng đã mua được ôtô sang chảnh. Và ngược lại có những “cò môi giới” thấy việc buôn bán bất động sản dễ kiếm lời nên cầm cố cả nhà cửa để lướt đất, mua đất giá cao đến khi không bán được đất nên mất cả nhà cửa vì cầm cố.
Điều đáng nói khi giá đất tăng cao, do các nhà đầu tư tìm cách lướt sóng nên mua đi bán lại, và người ôm đất sau cùng hầu hết toàn là người địa phương. Thấy đất tăng giá chóng mặt, nhiều người đã cầm cố cả sổ đỏ, nhà cửa cho ngân hàng, thậm chí vay nóng… để lướt bán kiếm lời nhưng mua xong đều không bán được vì lúc này các cò đất đã rút và lại chuyển đến một trục đường, vùng đất khác cùng thành phố để làm giá đất tiếp theo.
'Cò' đất khuấy động làng quê Hà Tĩnh, vài ngày lại 'bay sạch'
Câu chuyện sốt đất vùng quê Hà Tĩnh bắt đầu từ việc đấu giá 8 lô đất ở tại khu quy hoạch dân cư vùng Le Le, thôn Yên Lạc, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà diễn ra vào tháng 9/2021. Người dân không khỏi ngạc nhiên khi 8 lô đất nhưng có 200 bộ hồ sơ tham gia đấu giá. Các lô đất đều đấu vượt trên 54 bước giá, trong đó có lô số 1 được đấu vượt lên 58 bước giá.
Cả 8 lô đất được đấu giá thành công, thu về 18,716 tỉ đồng, vượt giá khởi điểm hơn 13,639 tỉ đồng. Chính quyền xã Thạch Thắng đánh giá đây là “hiện tượng chưa từng có tại địa phương”.
Gần đây dư luận tiếp tục ngạc nhiên khi nhiều vùng quê ở huyện Thạch Hà, huyện Cẩm Xuyên… lại tiếp tục dấy lên hiện tượng sốt đất, dòng người tứ phía đổ về quần thảo, lùng sục mua đất. Nhưng chỉ sau vài ngày, "cò" đất lại "biến mất", khiến làng quê Hà Tĩnh bị khuấy động.
Xã Thạch Thắng (huyện Thạch Hà) là địa phương nằm sát hai xã Thạch Văn, Thạch Trị. Kể từ khi có dự án trên giấy Khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa, đất nông thôn tại xã này cũng ăn theo "sốt xình xịch”.
Ông Trần Bá Từ, Chủ tịch UBND xã Thạch Thắng cho hay, gần đây "cò" đất thổi giá, lấy cớ xung quanh sắp có dự án khu du lịch biển ở xã Thạch Văn, Thạch Trị.
“Thạch Thắng gần Thạch Văn, Thạch Trị, "cò" đất lợi dụng sắp có dự án về tại hai xã này nên thổi giá đất. Dọc đường chính hiện tại mỗi m2 đất có giá từ 12-13 triệu đồng. Còn cách đây khoảng 3 năm về trước, mỗi m2 chỉ khoảng 2-3 triệu. Sau mỗi năm, đất cứ tăng giá, gấp từ 10-12 lần”, ông Từ nói.
Theo ông Từ, trước đây có những mảnh đất khoảng 120 triệu, đấu giá từ năm này qua năm khác nhưng chẳng ai mua, nhưng giờ bán ra khoảng 1,3 tỷ. “Cò đất lùng về tận thôn, đất trong vườn của dân cũng hỏi mua. Chính quyền đã có nhiều văn bản, phát loa truyền thanh để cảnh báo người dân tránh sập bẫy cơn sốt đất ảo”, ông Từ nói.
Tuy nhiên, những nơi “cò” kéo đến quần thảo, khuấy động cơn sốt đất, chỉ sau vài ngày lại sạch bóng, không còn bóng dáng người mua bán.
Tại xã Thạch Xuân (Thạch Hà), mấy ngày trước, hội nhóm “cò” đất cũng kéo về kín đường, đoạn tiếp giáp với xã Tân Lâm Hương. Nhóm người đứng, ngồi thành tốp giữa nắng để chèo kéo người mua đất. Nhưng chỉ sau một ngày, PV quay trở lại khu vực này thì “cò” đã “bay sạch”, không còn bóng dáng.
Lãnh đạo UBND xã Thạch Xuân, ông Nguyễn Huy Hà cho hay, hiện tại xã Thạch Xuân chưa có dự án gì nhưng có hiện tượng sốt đất “bát nháo”.
“Sốt đất bát nháo, giờ có bộ phận cò khuấy động. Cò đất bay hết vạt này đến vạt khác, làm bát nháo. Thạch Xuân đất sốt, cao nhất khoảng 10 triệu/m2, so với giá trị thực rất cao. Nhưng cò chỉ tập trung tại một vùng vài ngày, rồi lại “bay” đi chỗ khác, khó hiểu. Chúng tôi cảnh báo người dân cẩn thận dính bẫy”, anh Hà nói.
Quảng Ngãi sẽ kiểm tra lại tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất ven biển
Theo đó, ông Đặng Văn Minh yêu cầu UBND các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và TP. Quảng Ngãi khẩn trương chủ trì, tổ chức kiểm tra, có biện pháp kiểm soát, xử lý để ngăn chặn tình trạng trên.
Quảng Ngãi sẽ kiểm soát tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất ven biển
Cùng với đó, các đơn vị được giao có trách nhiệm tăng cường quản lý về giao dịch chuyển quyền sử dụng đất đai, cho phép tách thửa và xác nhận cho phép chuyển nhượng đất ở, đất nông nghiệp và đất rừng không đúng quy định pháp luật để không làm ảnh hưởng đến các dự án đầu tư sau này được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định, hoàn thành trước ngày 10/4/2022.
Trước đó, tháng 9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện hồ sơ đăng ký biến động đất đai (tách thửa, chuyển nhượng…) đảm bảo quy định.
Theo quyết định này, ông Đặng Văn Minh yêu cầu UBND TP. Quảng Ngãi và UBND các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt vai trò của các cấp cơ sở, tuyệt đối không được để tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa tự phát không theo quy định; sử dụng đất trái mục đích; kiểm soát không để cá nhân lấn chiếm đất công ích, đất nhà nước quản lý.
Bên cạnh đó, UBND TP. Quảng Ngãi được giao chủ trì phối hợp với chủ đầu tư để thông báo thu hồi đất đến từng thửa đất cho người đang sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai đối với phần diện tích đã có trong Kế hoạch sử dụng đất của thành phố.
Sửa đổi Luật Đất đai: Cởi trói và tiếp thêm động lực
Theo dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại 2 kỳ họp trong năm 2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2023 của Quốc hội Khóa XV.
Đây là một trong những luật được cả người dân và doanh nghiệp mong đợi với kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội.
Đặc biệt, việc sửa đổi Luật Đất đại sẽ giúp “cởi trói” và tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản.
Việc Ban chấp hành Trung ương Đảng tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW về "Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai" đã cho thấy sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đối với sự phát triển đất nước trong thời gian tới.
Các chuyên gia nhận xét, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội nên cần nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng.
Mặc dù dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình của Quốc hội Khóa XIV, nhưng sau đó lại được điều chỉnh, xin lùi nhiều lần và đến nay vẫn chưa sửa đổi.
Dự án Luật Đất đai được sửa đổi liên quan đến nhiều vấn đề như giá đất, bồi thường, tái định cư hay quản lý đất đai như thế nào để không lãng phí.
Chính sách pháp luật về đất đai có tác động trực tiếp đến hầu hết hoạt động kinh tế, văn hóa-xã hội môi trường của đất nước cũng như ảnh hưởng đến người dân và các hộ gia đình.
Cơ hội phát triển của Việt Nam khá lớn nhưng đất đai lại bị ách tắc bởi những quy định không phù hợp với thị trường. Do đó, cần phải sớm sửa đổi triệt để các bất cập của Luật Đất đai trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Việc sửa đổi, bổ sung cần dựa trên việc rà soát những khó khăn, bất cập thực tế.
Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cần sớm vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Người dân và cả doanh nghiệp đều kỳ vọng những bất cập trong Luật Đất đai 2013 sẽ được các cơ quan thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi triệt để theo thông lệ quốc tế và thực tiễn của nền kinh tế đất nước đang phát triển trong thời kỳ đổi mới.