Cách TP. Đà Lạt 120km về phía tây nam, Bảo Lộc (Lâm Đồng) được biết đến với thương hiệu trà (chè) B’Lao nổi tiếng trong và ngoài nước. Ngược dòng lịch sử, từ vùng Cầu Đất trên độ cao 1.000m, theo quá trình hình thành và phát triển, theo nhu cầu khai thác đất đai và nhân công bản xứ của giới chủ người Pháp mà cây trà lan dài xuống vùng Bảo Lộc, Di Linh theo lộ trình mới mở cửa của con đường từ Đà Lạt đi Sài Gòn vào thập niên 1930.
Trà bắt đầu làm quen với đất B’Lao từ các đồn điền của người Pháp như đồn điền Felit B’Lao, B’Lao Sierre… rồi dần dà là sự ra đời của các trang trại, các rẫy trà, vườn trà của các hộ gia đình. Từ đó ở vùng đất này đã xuất hiện một tầng lớp dân cư đông đảo chuyên sống bằng nghề canh tác hoặc chế biến trà. Một thế giới riêng của những người làm trà trên đất bazan đã khai mở từ gần 80 năm trước, để hôm nay, trà là một trong ba cây công nghiệp quan trọng, phát triển mạnh nhất ở Bảo Lộc.
Trà Bảo Lộc chiếm khoảng ¼ diện tích trà cả nước với nhiểu chủng loại. Trong những năm gần đây, Bảo Lộc không những chỉ tập trung vào công nghiệp phát triển trà trong nước mà còn tận dụng những lá trà ngon để xuất khẩu nước ngoài. Vì vậy mà Bảo Lộc trở thành thương hiệu sản xuất trà lớn nhất nước ta. Bên cạnh đó, ngành du lịch tại Bảo Lộc cũng phát triển hơn hẳn vì nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý của du khách đối với các đồi chè xinh đẹp tại nơi đây.
Trà Ô long là loại trà nổi tiếng của vùng chè Lâm Đồng, được ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới. Trà Ô long có nguồn gốc ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, sau đó du nhập vào Đài Loan và phát triển thịnh vượng. Nhu cầu tiêu thụ trà trên toàn thế giới đã mang giống trà ô long về Việt Nam, và vùng đất Bảo Lộc, Lâm Đồng là địa phương thích hợp nhất cho sự phát triển tuyệt vời của cây trồng này.
Tại Bảo Lộc có 3 giống trà ô long nổi tiếng: trà ô long Kim Tuyên, trà ô long Long Thuần và trà ô long Tứ Quý. Trà ô long Bảo Lộc nổi tiếng vì được sinh trưởng ở độ cao 1.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm sương mờ bao phủ, đất đai màu mỡ, thích hợp cho sự phát triển cây trà. Cùng với đó là quy trình chế biến trải qua nhiều công đoạn: làm héo, quay hương, xào diệt men, vò chuông, vò định hình, sấy,… Để có được loại chè ô long ngon, người dân nơi đây phải tuân thủ quy trình chế biến khắt khe từ khâu thu hái đến thành phẩm chè khô.
Sau khi thu hái, trong vòng một giờ, chè được đưa về nơi sơ chế. Trong 40 giờ tiếp theo, chè trải qua 12 công đoạn chế biến trong nhà máy để tạo ra sản phẩm cuối cùng: phơi héo, quay thơm, lên men, sao chè (cố định hương thơm), tạo hình, sấy khô, bán thành phẩm, nhặt cọng, sấy lại, phân loại, đóng gói, thành phẩm.
Phơi héo là công đoạn đầu tiên. Chè được phơi héo đến khi cảm thấy mềm tay, có mùi thơm bốc lên. Nếu phơi héo quá, chè lên men kém, không tạo được mùi thơm. Ngược lại, nếu phơi còn nhiều nước, quá trình lên men kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng.Phơi chè còn phụ thuộc vào trời nắng, người trồng phải kéo lưới đen lại để giảm nắng nếu nắng quá, đến khi ít nắng thì kéo lưới ra. Các công đoạn còn lại thực hiện trong nhà xưởng theo quy trình nghiêm ngặt. Nhà xưởng được kiểm tra các tiêu chuẩn về vệ sinh, chất lượng chè theo quy định vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm định kỳ. Tổng thời gian từ khi hái tới khi ra sản phẩm hút chân không, đóng gói hoàn tất chưa đầy 48 giờ. Chè không chất bảo quản, đến tay người dùng không quá 2 tháng kể từ ngày sản xuất.
Trà ô long trồng tại Bảo Lộc có hương mùi rất thơm và bền, vị nồng hậu, nước xanh hoặc xanh vàng, bã xanh. Có thể nói Lâm Đồng là vùng đất phù hợp nhất với giống trà ô long này, bởi khí hậu tự nhiên và thổ nhưỡng ở đây có thể cho ra những sản phẩm ô long hảo hạng không thua kém gì trà ô long được trồng trên các vùng núi cao của Đài Loan, Trung Quốc.
Hương Trà