Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái

Đẩy mạnh bảo vệ tài nguyên rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái góp phần xây dựng Quảng Trị giàu đẹp.

Núi Voi mẹp tại xã Hướng Sơn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh Ngọc Tuân
Núi Voi mẹp tại xã Hướng Sơn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh Ngọc Tuân

Rừng có vai trò hết sức quan trọng, không phải ngẫu nhiên mà trái đất được gọi là hành tinh xanh. Với diện tích lớn là biển, rừng và tầng ôzôn bao quanh, trái đất với điều kiện lý tưởng ấy là nơi bắt nguồn cho sự sống - một điều mà chưa hành tinh nào có. Đặc biệt là rừng - một yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Con người sống, tồn tại, làm việc, giải trí hàng ngày trong một môi trường sống trong sạch. Một trong những yếu tố tạo nên sự trong sạch đó chính là "rừng".

Rừng không chỉ là nơi bảo tồn loài, sinh cảnh, chắn sóng, bảo vệ sản xuất, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, rừng còn giữ vai trò đáng kể trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm… Thời gian qua, bằng các chính sách, giải pháp đồng bộ của tỉnh, sự thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm và phát triển tài nguyên rừng của cả ngành lâm nghiệp đã góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế xã hội; Trong đó, phải kể đến vai trò của các khu rừng trong việc phát triển du lịch sinh thái tại Quảng Trị.

Nhìn lại sự phát triển theo từng giai đoạn của ngành Lâm nghiệp nước ta, trong đó chỉ vào khoảng hơn 30 năm trước đây, cuộc sống còn nhiều khó khăn, khi đó, rừng được đại đa số tầng lớp nhân dân quan tâm ở những giá trị sử dụng trực tiếp như: gỗ, lâm sản ngoài gỗ,… vì đây là những giá trị dễ nhìn thấy (giá trị hữu hình).

Tuy nhiên, trong các năm gần đây, nhận thấy vai trò đa dạng trong quản lý bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng,…, Luật Lâm nghiệp (năm 2017), đã đặt vấn đề tài nguyên rừng với những giá trị trực tiếp (giá trị hữu hình) và gián tiếp (giá trị vô hình) là rất lớn, từ đó đặt ra các vấn đề quản lý và sử dụng rừng được sát thực với đối tượng và chủ thể quản lý hướng tới hiệu quả sử dụng rừng cao hơn.

Theo các nhà khoa học trên thế giới: Giá trị gỗ chỉ chiếm 10% gía trị của rừng còn 90 % giá trị thuộc về các giá trị như: Sản xuất ra các chất hữu cơ, bảo vệ tài nguyên đất và tài nguyên nước, phòng chống lại lũ, lụt và hạn hán, điều hoà khí hậu, hấp thụ khí cabonic, phân huỷ các chất thải; đảm bảo sự sống môi trường và cho hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí và du lịch sinh thái: các hoạt động này không làm ảnh hưởng đến thiên nhiên, nhưng lại mang lại lợi ích kinh tế và nâng cao kiến thức, tăng cường tính giáo dục và tăng vốn sống cho con người. Theo đó, việc bảo vệ rừng gắn với các hoạt động phát triển du lịch đang được ngành Kiểm lâm Quảng Trị thực hiện tại các địa bàn vùng núi có nhiều tiềm năng để khai thác du lịch.

Thực tế cho thấy, trong gần 10 năm trở lại đây, du lịch đang ngày càng phát triển trên nhiều tỉnh thành của nước ta, ngày càng đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhiều người, góp phần tăng thu nhập cho nhiều địa phương; Tuy nhiên, ở một phương diện nào đó, du lịch sinh thái chưa trở thành phổ biến cả về đầu tư vào điều kiện hạ tầng lẫn phát huy thị hiếu khám phá, thưởng ngoạn cảnh quan của các tầng lớp xã hội, trong khi Quảng Trị có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm chưa được khai thác nhưng công tác bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ cảnh quan để phục vụ phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,…, đã được lực lượng kiểm lâm tỉnh nhà thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.

Một số khu rừng như Rú Lịnh, Trằm Trà Lộc, vùng đệm các Khu bảo tồn thiên nhiên chịu nhiều áp lực từ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nhưng vẫn được bảo vệ tốt. Như các cán bộ và người lao động trong Lực lượng kiểm lâm từng tâm niệm: “chặt một cây rừng chỉ mất vài phút, nhưng để có một cây rừng phát triển thành rừng phải mất hàng trăm năm; để phá vỡ một cảnh quan chỉ mất vài ngày, vài tuần nhưng một khi đã mất thì không bao giờ phục hồi lại được”. Vì vậy, việc bảo vệ rừng, nhất là các  vùng đệm xung quanh khu vực các Khu bảo tồn thiên nhiên tại Quảng Trị đang được ngành quan tâm, tăng cường các biện pháp tổng hợp để bảo vệ và quản lý rừng bền vững.

Nhận thức được tầm quan trọng của rừng trong phát triển du lịch sinh thái cũng như việc không để rừng dừng lại ở bảo tồn đa dạng sinh học, Quảng Trị đang từng bước khai thác thế mạnh của rừng trong phát triển du lịch sinh thái. UBND tỉnh và ngành du lịch đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư đến Quảng Trị. Lực lượng kiểm lâm đang phối hợp tốt với các ngành liên quan để giữ rừng, bảo vệ cảnh quan cho phát triển du lịch sinh thái. Với những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, được bảo vệ tốt khách du lịch có thể dễ dàng nhìn thấy những loài động, thực vật quý hiếm như thông Nàng, thông tre Kim giao núi đất, Du sam núi đất, Đỉnh tùng. Rồi Vooc ngũ sắc, Vooc Hà Tĩnh là những loài linh trưởng đẹp nhất thế giới.....; Có hơn 80% là thảm thực vật bao phủ ở các khu rừng đặc dụng, những địa danh có cảnh quan đẹp chưa được khai thác như: Thác Bạc nằm trên địa phận bản Cợp, xã Hướng Lập bên cạnh đường Hồ Chí Minh, Sông Sê Păng Hiêng với hai mùa rõ rệt, Đỉnh Voi Mẹp gắn liền với những huyền thoại về Vua Hàm Nghi, Động Brai còn đó những dấu tích của quân và dân ta kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngoài các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, nơi đây còn bảo tồn, lưu giữ nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào Vân Kiều sinh sống trong khu vực vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và các khu vực lân cận mang lại nhiều tiềm năng trong việc khai thác du lịch văn hoá và du lịch cộng đồng như các lễ hội: lễ hội cúng mùa lên rẫy, lễ hội mừng cơm mới của người Vân Kiều, phong tục đám cưới, đi sim của người dân tộc cũng là một trong những đặc điểm đặc biệt để thu hút khách du lịch..

Du lịch sinh thái mang lợi ích trên các lĩnh vực: Kinh tế, xã hội, thẩm mỹ, sinh thái. Du lịch sinh thái kết hợp hài hòa cả 3 mục tiêu: kinh tế, xã hội, sinh thái. Do đó du lịch sinh thái là một loại hình du lịch bền vững, nó đảm bảo cho môi trường tự nhiên và xã hội không những không bị suy thoái mà còn được củng cố phát triển lâu dài. Giáo dục môi trường cho người tiêu dùng.

Với diện tích rừng lên đến 50%, công tác quản lý và phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp gắn liền với phát triển du lịch sinh thái và bảo vệ, giữ rừng hết sức quan trọng. Bởi hệ sinh thái rừng gắn liền với chức năng ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như tạo việc làm và thu nhập ổn định cuộc sống cho bà con các dân tộc tại các huyện miền núi, biên giới.

Trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành quyết định về đóng của rừng tự nhiên, người dân sống ở gần rừng không được khai thác gỗ, hưởng lợi từ khai thác gỗ thì việc bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái, khai thác các lợi ích, giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng là cơ hội mang lại lợi ích về kinh tế, thu nhập cho người dân và vẫn giữ được rừng. Cùng với các ban ngành liên quan, các địa phương và người dân, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ những loài động, thực vật quý hiếm.... đồng thời bảo vệ các điểm có tiềm năng phát triển du lịch như Thác Chênh Vênh, Thác Tà Puồng, Thác Ba vòi (ở huyện Hướng Hóa), Thác Luồi, Suối nước nóng Klu (ở huyện Đakrông)..., đang có những đóng góp thầm lặng của cán bộ chiến sỹ kiểm lâm, những người giữ rừng, góp phần bảo vệ môi trường sống cho các loài muông thú và phục vụ nhu cầu cuộc sống trong đó có du lịch nghỉ dưỡng, thám hiểm của con người, góp phần xây dựng Quảng Trị ngày càng giàu đẹp.

Trần Hiệp

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị

Từ khóa: