Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến những loại thực phẩm nào trong tương lai gần??

Những thực phẩm quen thuộc với đời sống của chúng ta có thể sẽ khan hiếm trong tương lai nếu biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục diễn ra.

Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, cháy rừng, hạn hán mà còn âm thầm ảnh hưởng đến những thực phẩm mà chúng ta đang sử dụng mỗi ngày, kéo theo những hậu quả tiêu cực đối với nền nông nghiệp. Không những thế, một số thực phẩm quen thuộc với đời sống chúng ta đang đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn trong tương lai vì vấn đề này. Cụ thể, những thực phẩm quen thuộc sau có thể sẽ khan hiếm trong tương lai nếu biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục diễn ra.

Gạo

Cây lúa sẽ có nguy cơ giảm sản lượng từ 20-40% do sự biến đổi khí hậu. Nghiên cứu cho thấy, các đợt nắng nóng kéo dài hơn ít nhất 10 lần ở tất cả các nước G20, với các đợt nắng nóng ở Argentina, Brazil và Indonesia kéo dài hơn 60 lần vào năm 2050. Tại Ấn Độ, sản lượng gạo và lúa mì sụt giảm có thể gây ra thiệt hại kinh tế lên tới 81 tỷ euro và khiến nông dân mất đi 15% thu nhập vào năm 2050. Tại Úc, cháy rừng, lũ lụt ven biển và bão có thể làm tăng chi phí bảo hiểm và giảm 611 tỷ AUD giá trị tài sản vào năm 2050.

Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến những loại thực phẩm nào trong tương lai gần?? - Ảnh 1

Không những thế, theo một số nghiên cứu, dinh dưỡng trong gạo sẽ dần ít đi do nồng độ carbon dioxide trong khí quyển tăng cao. Điều đó có nghĩa là những người sử dụng gạo làm nguồn thức ăn chính như người dân châu Á sẽ phải tìm cách để tránh các vấn đề đe dọa sức khỏe.

Cà phê

Những tác động của biến đổi khí hậu đang khiến việc kiếm sống từ trồng cà phê trở nên vô cùng khó khăn với mọi nông dân trên khắp thế giới.

Theo một nghiên cứu của Viện Khí hậu Mỹ, đất trồng cà phê toàn cầu sẽ giảm đi một nửa đến năm 2050 do biến đổi khí hậu. Giá cà phê cũng theo đó tăng cao vì cung không đủ cầu. Cụ thể, quốc gia Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới vừa đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 91 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cà phê của thế giới. 

Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến những loại thực phẩm nào trong tương lai gần?? - Ảnh 2

Chè

Chè cũng chính là một trong số những loài cây bị ảnh hưởng lớn bởi sự biến đổi khí hậu. Điều này cũng sẽ tác động không nhỏ đến ngành chè Việt Nam nói riêng và những quốc gia trồng chè nói chung, bởi tại những quốc gia này, trà là một loại thức uống thông dụng, gắn liền với cuộc sống hàng ngày.

Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến những loại thực phẩm nào trong tương lai gần?? - Ảnh 3

Mới đây, biến đổi khí hậu cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất chè ở Kenya, quốc gia cung cấp chè đen lớn nhất toàn cầu, đe dọa sinh kế của hàng triệu công nhân đồn điền. Theo một cuộc khảo sát của Liên hợp quốc với 700 người trồng chè ở tất cả bảy vùng chè của Kenya, nông dân đã quan sát thấy những thay đổi về lượng mưa, sự phân bố và sản lượng giảm do biến đổi khí hậu. Lượng mưa trở nên dữ dội hơn và ít dự đoán hơn. Hay tại Ấn Độ, theo Hiệp hội nghiên cứu Chè của nước này, đến năm 2050, một vùng rộng lớn của Assam sẽ không còn phù hợp cho trồng chè, chủ yếu do sự bất ổn về lượng và phân phối mưa theo vùng, mưa tập trung cao hơn trong mùa mưa, nhiệt độ tăng và mức độ các-bon điôxit cũng tăng, và thiếu đọ ẩm tương đối cho tăng trưởng cây trồng.

Trong tương lai, rất có thể những người thích uống trà sẽ phải tìm hoặc thay đổi sở thích đồ uống của bản thân sang loại mới. Bởi các chuyên gia khẳng định, ngành chè sẽ chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu như bị côn trùng tấn công hoặc chất lượng trà thấp hơn… nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. 

Cây ca cao

Chocolate có lẽ là món đồ ngọt phổ biến và được nhiều người ưa chuộng nhất thế giới. Song, với thực trạng khí hậu Trái Đất đang biến đổi từng ngày, trong tương lai, chúng ta có thể sẽ không được thưởng thức món ăn ngon miệng này nữa, vì sự tuyệt chủng của cây ca cao (nguyên liệu chính để tạo ra chocolate).

Theo các nhà khoa học, yếu tố cực đoan ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây ca cao, do biến đổi khí hậu, không phải là sự tăng cao của nền nhiệt, mà nằm ở sự biến độ của lượng mưa và độ ẩm. Cụ thể hơn, việc xuất hiện ngày càng nhiều các trận mưa nặng hạt (một cách bất thường) đã và đang làm sản lượng ca cao thu hoạch được sụt giảm đáng kể.  

Mật ong

Loài ong mật cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng. Bên cạnh việc khai thác mật quá mức của con người, hay sự suy giảm của môi trường sống, thì lượng CO2 tăng cao trong khí quyển cũng là một trong những nguyên nhân chủ chốt.

Theo đó, có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hàm lượng CO2 tăng cao đã làm sụt giảm lượng protein có trong phấn hoa, vốn là nguồn thực phẩm chính cho loài ong. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, ong mật trên thế giới sẽ chết dần chết mòn vì đói. Khi không còn ong, con người cũng sẽ không còn mật để mà sử dụng nữa.

Sirô phong

Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến cây phong đường khiến nguồn nguyên liệu là nhựa phong thường được sử dụng để sản xuất sirô cây phong giảm sút. Các chuyên gia lưu ý nếu cây phong không có đủ tuyết vào mùa đông, sẽ dẫn đến hiện tượng chết rễ và giảm sự phát triển của chồi. Người ta cũng ước tính môi trường sống thích hợp cho loài cây này sẽ suy giảm đáng kể trong 80 năm tới.

Lúa mì

Bánh mì, bánh ngọt, và nhiều loại bánh trong tương lai sẽ trở nên khan hiếm khi sản lượng lúa mì toàn cầu có nguy cơ sụt giảm tới 25% so với hiện tại.  Vì mỗi độ nhiệt độ tăng lên sẽ khiến sản lượng giảm 6%. Ở nhiệt độ từ 30°C trở lên, sức nóng có thể làm tổn hại các lá cây lúa mì và làm xáo trộn sự quang hợp của cây, đẩy nhanh tiến trình lão hóa của lúa mì.

Rượu vang

Biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức mới cho việc trồng nho, vì nho bị nhiễm khói bụi của cháy rừng là một ví dụ điển hình. Khi nho tiếp xúc với quá nhiều khói bụi, vị của rượu vang có thể sẽ đắng khét theo. Vấn đề này sẽ khiến các hãng rượu vang nổi tiếng khó giữ được hương vị đặc trưng của loại đồ uống này.

Táo, đào, cherry...

Theo nghiên cứu mới của Trường Đại học Melbourne, mùa đông ngày càng trở nên ấm áp đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng táo. Trong khi đó, vào mùa hè nhiệt độ quá cao và ánh nắng gắt cũng gây nhiều tổn thương lên các loại cây ăn quả khác như đào, cherry…Điều này khiến các cây ăn quả  trên ngày càng sụt giảm về năng suất cũng như chất lượng.  

Bảo Anh (t/h)