Bộ Công thương siết quản lý thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng

Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh tại Việt Nam không chỉ nhờ sự thay đổi của công nghệ, mà còn được thúc đẩy bởi dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm. Nhưng phát triển càng mạnh thì lòng tin của người tiêu dùng vào TMĐT càng giảm. Để TMĐT phát triển mạnh nhưng không “chệch đường ray”, cơ quan quản lý đã có giải pháp cho hoạt động này.

Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), vai trò của TMĐT ngày càng trở nên quan trọng hơn khi tỉ trọng doanh thu từ thương mại điện tử tăng hằng năm. Tuy nhiên, trên thực tế, mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và một số đối tượng đã lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, thậm chí cả hàng cấm. 

Trước tình hình này, theo thông tin từ Bộ Công Thương, cơ quan này đang tích cực nghiên cứu và đề xuất các nhóm giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng trong thương mại điện tử như ngăn chặn hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trên các trang bán hàng online, mạng xã hội.

Theo đó, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương hoàn thiện khung pháp lý gắn với thực tiễn. Hiện nay quản lý lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử có Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và một số nghị định khác liên quan tới các lĩnh vực trong hoạt động thương mại điện tử như Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử chữ ký số và chứng thực chữ ký số; Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử…

Bộ Công Thương đã trình, ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết theo yêu cầu của Nghị định; hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, Chương trình nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển lĩnh vực thương mại điện tử trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Công Thương cũng đã dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52, trong đó, có những quy định mới về chủ thể và cơ chế quản lý hoạt động thương mại điện tử thì quy định về hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài cũng được đề ra để giải quyết những vướng mắc, bất cập.

Cụ thể, bổ sung quy định chủ thể của hoạt động thương mại điện tử, thu gọn đối tượng ứng dụng thương mại điện tử phải thực hiện thủ tục hành chính; Công khai thông tin hàng hóa, người mua trên sàn thương mại điện tử, minh bạch hóa thông tin cho người tiêu dùng, phòng chống gian lận thương mại; Quy định rõ hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội, mạng xã hội được tổ chức hoạt động tương tự như một hình thức thương mại điện tử truyền thống; Sửa đổi quy định về cách thức hiện diện của thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam.

Trước đó, theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, trong năm 2020, Cục đã thực hiện việc hoàn thiện thể chế, chính sách về thương mại điện tử và kinh tế số, hiện Cục cũng đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành vào quý I/2021.

Bộ Công thương siết quản lý thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng - Ảnh 1

Các nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử như hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia KeyPay, hệ thống Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store, Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday, Gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử lớn... được khai thác hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho thương mại điện tử của Việt Nam phát triển.

Đặc biệt, ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60h, tăng 267% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp sản xuất nằm trong nhóm lớn nhất cả nước đều đưa TMĐT vào chiến lược phát triển dài hạn để đối phó với khủng hoảng và xây dựng kênh phân phối mới. Việt Nam trong năm chủ tịch ASEAN, cũng đã chính thức đề xuất và tổ chức thành công sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2020, và được đưa vào lịch trình tổ chức thường niên vào ngày 8 tháng 8 hàng năm.

Đáng lưu ý, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng quản lý hoạt động thương mại điện tử đã được tăng cường thông qua các chỉ đạo, Cục đã có văn bản sớm yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các website bán hàng rà soát về việc niêm yết giá nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và các hành vi gian lận như nâng giá bán, nâng giá vận chuyển hoặc người bán có tỷ lệ hủy đơn hàng cao. Đồng thời, Cục cũng ưu tiên hiển thị các sản phẩm phòng dịch thiết yếu để giúp việc mua sắm được thuận lợi, khuyến khích mua sắm trực tuyến.

Cũng trong năm 2020, Cục đã tiếp nhận và xử lý 250 lượt phản ánh trên cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử; trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như: không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng. Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ trực tiếp tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 11 trường hợp với tổng mức phạt hành chính là trên 300 triệu đồng.

Mặt khác, thực hiện Quyết định số 3304/QĐ-BCT và Quyết định số 2981/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp chặt chẽ với Tổ 399 (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), Tổ 368 - Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan tiến hành theo dõi, thu thập các thông tin về dấu hiệu vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, dấu hiệu vi phạm về việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại nhiều điểm nóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và đã xử lý nhiều vụ việc lớn.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, năm 2021, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương; chú trọng đầu tư nguồn nhân lực phục vụ phát triển lĩnh vực này.

Cùng với đó, xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử và đẩy mạnh giao dịch điện tử xuyên biên giới.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chú trọng phát triển các hạ tầng kỹ thuật cho thương mại điện tử, xây dựng giải pháp ứng dụng phù hợp cho doanh nghiệp và tổ chức một số hoạt động kích cầu thương mại điện tử cho người tiêu dùng nhằm tăng doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam.

Bảo An (t/h)