Thời gian qua, huyện Tân Lạc đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra, đánh giá vùng trồng để đề nghị cấp mã số xuất khẩu sang thị trường EU cho 6 vùng trồng bưởi với tổng diện tích 153ha; hỗ trợ liên kết ký Thỏa thuận hợp tác về phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi đỏ Hòa Bình trên địa bàn huyện, giữa Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA với các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây bưởi của huyện.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 2 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài là mía và bưởi đỏ Tân Lạc.
Để thực hiện hiệu quả chương trình, huyện Tân Lạc chú trọng xây dựng vùng trồng đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Diện tích cây ăn quả có múi (cam, bưởi). Toàn huyện Tân Lạc hiện có 1.523,8 ha, diện tích kinh doanh đạt 1.420 ha, tổng sản lượng ước đạt 22,2 nghìn tấn.
Đến nay, toàn huyện có 9 cơ sở với trên 240 ha cây ăn quả có múi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, 1 cơ sở đạt chứng nhận hữu cơ; có 1 cơ sở sơ chế, đóng gói của hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc; 3 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao (cam, bưởi sạch của hợp tác xã Sơn Hoa; bưởi đỏ Giang Lộc của hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc; bưởi hữu cơ Tân Đông của hợp tác xã trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp Tân Đông); có 11 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác tham gia sản xuất cây ăn quả có múi; trong đó, có 3 hợp tác xã có liên kết tiêu thụ sản phẩm; có 140,5 ha bưởi được cấp mã vùng trồng (6 mã).
Đây là động lực nhằm khích lệ để nông dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục có những chuyến hàng tiếp theo đối với các mặt hàng nông sản khác được xuất khẩu, đưa xuất khẩu trở thành một trong những kênh tiêu thụ đối với những sản phẩm chủ lực của tỉnh.