Chuyển đổi số ở Hà Giang: HTX làm chủ công nghệ, nâng tầm nông sản

Chuyển đổi số đang mở ra cơ hội mới cho các HTX tại Hà Giang, giúp nâng cao giá trị nông sản và mở rộng thị trường. Nhờ ứng dụng công nghệ, nhiều HTX không chỉ cải thiện sản xuất, kinh doanh mà còn tạo thêm việc làm, thúc đẩy phát triển bền vững.

Hà Giang, mảnh đất địa đầu Tổ quốc với địa hình hiểm trở và đa dạng bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, đang đứng trước những cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trước bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa mở ra những tiềm năng to lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng.

Chuyển đổi số đã đến gần hơn với đồng bào dân tộc thiểu số.
Chuyển đổi số đã đến gần hơn với đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể khẳng định, hợp tác xã (HTX) với vai trò là tổ chức kinh tế tập thể, dân chủ và tự chủ, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu này. Ứng dụng CNTT đang mang lại những lợi ích thiết thực, đa chiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Hà Giang, trong đó HTX có vai trò then chốt khi đóng vai trò trung tâm và là cầu nối quan trọng trong việc đưa CNTT đến với cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Hà Giang.

Những mô hình HTX ứng dụng CNTT hiệu quả

Việc áp dụng CNTT vào hoạt động sản xuất và kinh doanh đã mang lại những bước tiến mạnh mẽ cho nhiều HTX tại Hà Giang. Điển hình, HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (huyện Đồng Văn) đã tận dụng tối đa các nền tảng thương mại điện tử, livestream bán hàng và quảng bá trên mạng xã hội. Nhờ đó, doanh thu của HTX duy trì ở mức 2 tỷ đồng/năm, giúp nông sản Hà Giang vươn xa hơn trên thị trường. Không chỉ phát triển kênh bán hàng trực tuyến, HTX Po Mỷ còn tích cực hướng dẫn bà con sử dụng điện thoại thông minh để giao dịch, kết nối với khách hàng. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19, mô hình này đã chứng minh được hiệu quả khi giúp duy trì việc làm cho hàng chục lao động là người dân tộc thiểu số.

HTX Po Mỷ hoạt động hiệu quả hơn nhờ tiên phong chuyển đổi số.
HTX Po Mỷ hoạt động hiệu quả hơn nhờ tiên phong chuyển đổi số.

Tương tự, HTX Tuấn Dũng (huyện Mèo Vạc) đã ứng dụng CNTT trong nuôi ong và sản xuất mật ong Bạc hà - sản phẩm đặc sản của Hà Giang. Bằng cách sử dụng mạng xã hội, nhóm Zalo để kết nối với hơn 100 hộ dân, HTX đã xây dựng một hệ thống liên kết chặt chẽ trong việc chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Việc áp dụng nền tảng số giúp HTX dễ dàng quản lý, thông báo thông tin thu mua và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho các hộ nuôi ong.

Một điển hình thành công khác là HTX Tây Côn Lĩnh (huyện Vị Xuyên) - chuyên sản xuất chè Shan tuyết cổ thụ, một trong những đặc sản quý của Hà Giang. HTX này đã ứng dụng công nghệ vào tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến đến quảng bá và phân phối sản phẩm. Trong sản xuất, HTX đầu tư hệ thống giám sát và chăm sóc chè bằng công nghệ hiện đại, giúp kiểm soát chất lượng từ khâu trồng trọt đến thu hoạch. Công nghệ sinh học cũng được áp dụng để nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường. Trong chế biến, HTX trang bị dây chuyền sấy lạnh tiên tiến, giúp bảo quản chè tốt hơn, giữ nguyên hương vị đặc trưng. Trong phân phối, HTX sử dụng mã QR trên bao bì để minh bạch hóa thông tin sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Voso.vn, giúp chè Shan tuyết tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Với chiến lược số hóa bài bản, HTX Tây Côn Lĩnh không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, góp phần khẳng định vị thế chè Shan tuyết Hà Giang trên thị trường quốc tế.

Tác động của CNTT đến HTX và cộng đồng

Với nguồn lực tập thể, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã đầu tư vào hạ tầng CNTT như máy tính, internet, phần mềm và chia sẻ cho các thành viên sử dụng, giảm bớt gánh nặng chi phí cho từng hộ gia đình. Theo thống kê, Hà Giang hiện có 774 HTX hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đến nay, phần lớn các HTX đã trang bị máy tính kết nối internet và ngày càng quan tâm đến xây dựng website nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng khách hàng.

Bên cạnh đó, nhiều HTX còn chủ động tham gia các lớp đào tạo về CNTT do Viện Phát triển Kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức. Các lớp đào tạo này giúp HTX ứng dụng thương mại điện tử vào quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng, đồng thời hỗ trợ đánh giá tiêu chuẩn hàng hóa nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường.

Thách thức và giải pháp

Dù nhận thức về tầm quan trọng của CNTT trong HTX ngày càng được nâng cao, nhưng việc ứng dụng CNTT tại các HTX ở Hà Giang vẫn gặp nhiều khó khăn. Rào cản về cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí, nguồn lực tài chính hạn chế và sự thiếu hụt về kỹ năng số đang là những thách thức lớn. Phần lớn người dân vẫn tiêu thụ sản phẩm qua chợ truyền thống hoặc các cửa hàng địa phương, chưa tận dụng tối đa tiềm năng thương mại điện tử. Để giải quyết các thách thức này, cần có sự chung tay của hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và đặc biệt là sự chủ động của các HTX. Một số giải pháp quan trọng bao gồm:

Đầu tư phát triển hạ tầng CNTT: Mở rộng phủ sóng internet, nâng cao chất lượng đường truyền để người dân vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận internet ổn định.

Đào tạo kỹ năng số: Tổ chức các chương trình đào tạo đa dạng, phù hợp với trình độ và nhu cầu của HTX, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT.

Hỗ trợ tài chính và kỹ thuật: Cung cấp chính sách hỗ trợ đặc thù về vốn và kỹ thuật cho HTX nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT vào sản xuất, kinh doanh.

Phát triển nền tảng trực tuyến: Xây dựng các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ quản lý, kinh doanh và kết nối thị trường cho HTX.

Trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang, chuyển đổi số với sự đồng hành của các HTX năng động và sáng tạo sẽ là động lực quan trọng giúp tỉnh thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao giá trị nông sản và mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức, HTX ở Hà Giang hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hiền Nguyễn

Từ khóa: