Các bài báo gửi đến Ban tổ chức hội thảo được phản biện bởi 2 chuyên gia độc lập và chọn được 39 bài đăng kỷ yếu hội thảo. Trong số này, có 15 bài báo tiếng Anh và 34 bài báo tiếng Việt.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Lưu Trang – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Khu vực hóa và toàn cầu hóa là xu thể chung của nhân loại với sự biến đổi nhanh chóng, toàn diện và sâu sắc về mọi mặt.
Trong xu thế đó, giáo dục đại học Việt Nam và châu Á đang hội nhập ngày càng sâu rộng và đạt được những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần khẳng định được vị thế mới trong sự phát triển chung của toàn cầu. Những biến chuyển một lần nữa là minh chứng xác đáng cho những thay đổi tích cực trong thực thi chính sách giáo dục ĐH ở Việt Nam và Châu Á.
Thế nhưng, trên thực tế, giáo dục đại học Việt Nam và Châu Á cũng đã và đang phải tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề: Rào cản đối với phát triển của giáo dục Việt Nam và Châu Á là gì? Thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam, Châu Á đã và đang diễn tiến theo chiều hướng như thế nào? Giải pháp nào để phát triển giáo dục Việt Nam và thế giới? Nội dung của các kết quả nghiên cứu tập trung vào giải quyết 3 vấn đề cơ bản này”.
Ở vấn đề chính sách giáo dục đại học, có 12 bài báo tiếp cận trên nhiều phương diện như nguồn gốc của đổi mới chính sách giáo dục đại học; tiếp cận các chính sách giáo dục trong một số phương diện cụ thể, như: Cần thiết thúc đẩy việc xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam, Từng bước hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học Việt Nam từ kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học của một số nước châu Á…
Các vấn đề thực tiễn của giáo dục đại học Việt Nam và châu Á cũng được tiếp cận đa chiều; một số bài nghiên cứu đã tiếp cận thành tựu hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và châu Á; một số mô hình thực tiễn của giáo dục đại học Việt Nam và châu Á.
Từ việc nêu rõ các thành tựu và thách thức, các nhà nghiên cứu giáo dục cũng đề xuất các giải pháp phát triển đại học. Trong tiểu ban này, có một số bài báo đưa ra các giải pháp tổng thể như: Giải pháp phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Mô hình đại học sáng tạo trong cách mạng công nghiệp 4.0 và một số đề xuất đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam.
Một số giải pháp cụ thể cũng được các nhà khoa học đề xuất việc tham khảo mô hình và kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… Một số giải pháp để gia tăng xếp hạng vị thế giáo dục cũng được gợi mở qua các nghiên cứu như Xếp hạng đại học Châu Á (QS ASIA) và một số vấn đề đặt ra đối với giáo dục đại học Việt Nam hiện nay; Nâng cao vị thế xếp hạng ĐH Đà Nẵng trên bảng xếp hạng QS Châu Á…
Hà Nguyên
Theo Giáo dục & Thời đại