Công dụng ít ai biết đến của Trà Tâm sen

Cái tên Tâm sen hẳn là còn lạ lẫm với nhiều người trẻ ngày nay. Thực chất Tâm sen là mầm của hạt sen (tức là phần màu xanh nằm trong hạt của cây sen - tên khoa học là Nelumbo nucifera). Tâm sen còn được gọi với một tên gọi khác là Liên tâm. Tuy đã được dùng phổ biến trong Y học phương Đông nhưng Tâm sen lại rất ít khi được dùng một cách riêng biệt làm trà thảo mộc vì tính đắng rất khó uống của nó.

Cách sơ chế Tâm sen tươi được thực hiện khá nghiêm ngặt, thường vị thuốc này phải sao vàng thì mới loại được các chất có hại trong Tâm sen, tuy nhiên cũng không đươc sao quá cháy vì sẽ làm mất tác dụng của thuốc.

Vị đắng của thảo dược này đến từ các alcaloid có hoạt tính dược lực mạnh trong nó. Các nhà khoa học tới nay đã tìm ra tới hàng chục loại alcaloid trong Tâm sen, gồm liensinine, một hợp chất tương tự liensinine là isoliensinine, chất đặc trưng chỉ có ở Tâm sen neferine, nuciferin, bisclaurin…

Tâm sen thường được dùng với công dụng an thần, giúp loại bỏ phiền não và chữa mất ngủ rất tốt. Tác dụng này của Tâm sen là do chính các alcaloid có trong Tâm sen trên có khả năng ổn định giấc ngủ, giảm căng thẳng và mệt mỏi trên hệ thần kinh trung ương giúp người bệnh đi vào giấc ngủ dễ dàng.

Một công dụng nữa của Tâm sen là tác dụng thanh nhiệt, chữa bí tiểu, hỗ trợ giúp giảm nhịp tim và ổn định huyết áp rất tốt. Y học cổ truyền còn dùng Tâm sen trong chữa trị bệnh nhân kém ăn, di mộng tinh cùng các thảo dược đi kèm khác.

Công dụng ít ai biết đến của Trà Tâm sen
Công dụng ít ai biết đến của Trà Tâm sen

Trà Tâm sen đơn giản thường được chế biến nhất sẽ theo thứ tự các bước sau đây:

Bước 1: Nguyên liệu gồm 3 gam Tâm sen đã chế biến. Có thể chuẩn bị thêm khoảng 3 gam Cam thảo đất để giảm bớt vị đắng nếu cần.

Bước 2: Pha trà

Rửa sạch Tâm sen và Cam thảo (nếu có) một lượt bằng nước ấm rồi cho vào bình pha trà.

Đun sôi khoảng 120 đến 150ml nước. Sau đó đổ vào bình pha trà trên chỉ khoảng 10ml cho ngập dược liệu, cầm bình trà lên lắc một lượt rồi đậy nắp đổ nước tráng đó đi. Tiếp tục đổ nốt lượng nước sôi còn lại vào bình và đậy nắp lại.

Bạn có thể rót nước sôi xung quanh ấm trà một cách từ từ trong vòng 30 giây đến 1 phút. Sau đó đợi tiếp khoảng 4 đến 5 phút cho trà ngấm vị rồi thưởng thức.

Tương tự trà hoa cúc, bạn cũng có thể chế thêm nước sôi khi tách trà hết nước và tiếp tục dùng cho đến khi vị của trà nhạt hẳn đi.

Những người hay bị mất ngủ, ăn uống không ngon, bị cao huyết áp lâu năm và bị di mộng tinh có thể dùng trà Tâm sen vào buổi tối trước khi đi ngủ để cải thiện các chức năng cơ thể một cách từ từ.

Tâm sen tuy là một loại trà rất tốt nhưng vị khó uống với nhiều người, đây cũng không phải một loại trà có thể sử dụng lâu ngày hay dùng với một lượng lớn trong thời gian ngắn. Nếu lạm dụng thảo dược này như vậy có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy mạn tính, rối loạn tiêu hóa. Người bị huyết áp thấp cũng không nên dùng Tâm sen, kể cả trong trường hợp bị mất ngủ.

Vì là một thảo mộc khá dễ kiếm ở nước ta nên Tâm sen được bán ở các hiệu thuốc bắc, thuốc Nam và các phòng chẩn đoán, khám chữa bệnh Đông y rất phổ biến. Thảo mộc này cũng được bán trên các trang bán hàng online, có điều người dùng cần tỉnh táo để biết đâu là cơ sở kinh doanh uy tín, đảm bảo sản phẩm được bảo quản và có nguồn nguyên liệu tốt nhất.

Vương Anh