Hành trình 60 năm xây dựng và phát triển
Bà Đào Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV 2-9 Hòa Bình, cho biết: Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, biết bao lớp cán bộ công nhân đã đồng lòng nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Tổ quốc đến vùng Tây Bắc, một vùng đất với núi rừng hoang vu, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, giao thông lúc đầu khó khăn, dân cư thưa thớt, văn hoá kinh tế chưa phát triển. Chúng ta đã khắc phục biết bao khó khăn, không sợ gian khổ, hy sinh, trong sản xuất cũng như trong chiến đấu; xây dựng Nông trường vượt qua bao chặng thăng trầm, để có Công ty TNHH một thành viên 2-9 Hoà Bình như ngày hôm nay.
Trước ngày thành lập 2/9/1964 là Phân trường Vụ Bản thuộc nông trường Sông Bôi tỉnh Hoà Bình. Phân Trường trực tiếp quản lý các đội 11, 11B, đội 1, 15, tổ 8, Trường Đoàn, Xưởng cưa và tổ khai hoang cơ giới. Được đóng quân ở 9 xã thuộc 2 huyện Lạc Sơn và Lạc Thuỷ. Do địa lý từ phân trường Vụ Bản về trụ sở Nông Trường Sông Bôi tại xã Cố Nghĩa Huyện Lạc Thuỷ quá xa, yêu cầu sản xuất ngày càng phát triển, sự chỉ đạo của Giám đốc đến phân trường còn hạn chế từ thông tin liên lạc đến phương tiện đi lại. Vì vậy ngày 10/8/1964 Bộ Nông Trường đã có quyết định số 690/ NT-TC tách phân trường Vụ bản Nông Trường Sông Bồi thành lập Nông Trường quốc doanh Vụ Bản thuộc Bộ Nông trường kể từ ngày 19/8/1964. Với nhiệm vụ trồng gai, trồng cam và chăn nuôi bò lợn. Với cái tên Nông trường Vụ Bản mà đất đai lại ở 2 huyện Lạc Sơn và Lạc Thuỷ nghe chưa hoàn hảo. Ông Nguyễn Quốc Tự về nhận Giám đốc đã đề nghị Bộ Nông trường đổi lại tên là Nông trường quốc doanh 2-9. Đề nghị trên đã được Bộ Nông trường chấp nhận cho đổi tên là “Nông trường quốc doanh 2-9” và lui thời gian thực hiện từ 19/8/1964 đến 2/9/1964.
Ngày 2/9/1964. Lễ khai trương thành lập Nông Trường quốc doanh 2-9 được tổ chức trọng thể có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Bộ Nông trường, Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hoà Bình và các đ/c lãnh đạo của hai huyện Lạc Sơn và Lạc Thuỷ, Lãnh đạo Nông trường Sông bôi cùng toàn thể cán bộ công nhân ở Đội 1, Xưởng cưa đóng tại Xã Yên Lạc, Đội 2 đóng tại Xã Bảo Hiệu, huyện Lạc Thuỷ đến đội 4, đội 5, tổ 7, tổ 8 đóng tại các xã của huyện Lạc Sơn. Từ đó ngày 2/9 trở thành ngày thành lập Nông Trường quốc doanh 2-9, ngày gắn liền với ngày lịch sử dân tộc Việt Nam (Ngày Quốc Khánh 2-9).
Trong thời kỳ đầu mới thành lập, Nông trường tiến hành sắp xếp lại tổ chức biên chế thành các Đội 1, Đội 2, Đội 3, Đội 4, Đội 5, Đội 6, Xưởng Cơ Khí. Lực lượng cán bộ và công nhân của các đội này lúc đầu là những hạt nhân tích cực đó là các anh Bộ đội Cụ Hồ, quê ở Miền Nam tập kết ra Bắc đã hạ mũ, hạ sao chuyển sang làm công nhân Nông trường. Buông tay súng chắc tay búa, vững tay cuốc đánh gốc, khai hoang mở đất sản xuất. Cùng với lực lượng lao động này Bộ Nông trường còn điều động hàng trăm công nhân từ Nông trường Sông Bôi chuyển sang, các Nông trường 1/5; 19/5 từ Nghệ An chuyển đến và hàng trăm thanh niên nam nữ từ các tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ đến các tỉnh Hà Đông, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Hà, Nam Định, họ mới bước vào tuổi thanh niên đã sẵn sàng rời quê hương nơi có cánh đồng lúa vàng bát ngát, có biển xanh mênh mông, có luỹ tre xanh gắn bó hàng ngàn đời nay để đi làm công nhân Nông trường 2-9. Lúc tiễn con đi làm công nhân Nông trường cha mẹ rất thương con với nỗi niềm canh cánh lo xa với ấn tượng của câu nói xa xưa “Nước Sơn La, Ma Hoà Bình". Nhưng được Đảng giáo dục, Đoàn thanh niên động viên trong phong trào "3 sẵn sàng". Nông trường đã tập hợp được 880 cán bộ công nhân tất cả cùng chung ý chí xây dựng Nông Trường.
Sau ngày 2/9/1964 Bộ Nông trường quyết định xây dựng trụ sở của Nông trường, địa điểm được đặt tại xã Ân Nghĩa huyện Lạc Sơn trên đường 12B vào xóm Tưa, cách thị trấn Vụ Bản 12 km. Trụ Sở Nông trường được xây trên khu đồi cao thoáng mát bên cạnh còn xây dựng một xưởng Chế biến gai theo công nghệ tiên tiến bấy giờ. Cả một quần thể nhà ngói đỏ tươi, ẩn mình trong vườn cao su của Nông trường, với rừng lim xanh ngắt của xóm Tưa, xóm Vổ, và bãi ngô mượt mà của xóm Bái xã Ân Nghĩa đã tô thêm vẻ đẹp cho chiến khu Mường Khói, cán bộ công nhân làm việc ở đây rất tự hào với khu trụ sở mới của Nông Trường. Nhưng Trụ Sở nông trường xây chưa được bao lâu thì chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã diễn ra ác liệt trên Miền Bắc. Đầu tháng 6/1965 máy bay Mỹ đã ném bom vào khu trụ sở Nông trường, nhà sập hàng loạt, bàn ghế tan hoang, xưởng chế biến gai hư hại hoàn toàn. Trước tình hình đó, Bộ Nông trường lại quyết định chuyển trụ sở Nông trường sơ tán về chân rừng Cúc Phương giáp vườn vầu Xóm Cả xã Yên Lạc, dưới khu rừng rậm dọc hai bờ suối chảy theo hướng Xóm Khang. Các nhà làm việc từ Đảng uỷ, Giám Đốc đến các phòng ban, nhà ở tập thể bằng tranh tre nứa lá kéo dài từ năm 1966 đến 1973 mới chuyển ra khu mới hiện nay.
Cùng với khu Trụ Sở, các đơn vị sản xuất và phục vụ của Nông trường cũng phải sơ tán ra bìa rừng, riêng các đội ô tô, máy kéo, xưởng cơ khí được sơ tán lên hang núi khu vực Phố Sấu xã Lạc Thịnh hiện nay. Nhà ở, nhà bếp tập thể của công nhân được dựng tạm bằng tranh tre nứa lá, giường nằm được ghép thành sạp bằng bương, một người trở mình là cả lán đều thức giấc. Bữa ăn tập thể cũng rất đạm bạc gạo Nhà nước độn với ngô, sắn có lúc phải độn cả hạt bo bo. Thức ăn rau xanh chủ yếu là đu đủ, chuối xanh, đi làm hái thêm rau tàu bay, rau tầm bao để cải thiện bữa ăn, nước sinh hoạt thiếu thốn phải chia nhau cả nước để rửa mặt, đánh răng. Để giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt, năm 1965 Bộ Nông trường đã đầu tư khoan 2 giếng khoan thuỷ địa chất, lấy dòng nước mát ngọt sâu 80m từ lòng đất tại đội 1, đội 2 đã làm vơi đi nỗi khổ về nước cho người Nông trường và nhân dân địa phương. Khổ về sinh hoạt còn chịu được, nhưng bệnh tật còn hành hạ từng người, đó là ghẻ lở, hắc lào. Nhưng kỳ lạ thay công nhân ai cũng khoẻ, ít ốm đau vẫn hăng say lao động sản xuất với một quyết tâm cao. Toàn Nông trường là một công trường sản xuất, máy cầy đất, máy rạch hàng, ô tô chở cây gai giống đi về các đơn vị tập trung trồng được 200 ha gai xanh ngát, bạt ngàn ở 4 đội của Nông Trường. Gai trồng đến kỳ thu hoạch chế biến vất vả là vậy, hăng say là vậy nhưng thật buồn vì sản phẩm sản xuất ra bị lỗ quá nhiều, công nhân chỉ biết ứng lương qua bếp ăn tập thể được Nông trường lo cho hàng ngày, và 3-4 tháng mới được thanh toán lương một lần để chi tiêu cho cá nhân. Trước tình hình lỗ nặng Nông trường đã phát động phong trào "Chống lỗ" công nhân đi làm cả trưa, cả tối, thanh niên làm phân chấp cắt cỏ xếp khối làm phân xanh, người đánh tranh nứa, tranh bái, tất cả đều giao nộp cho Nông trường không tính tiền công để giúp Nông trường giảm lỗ.
Trong những tháng năm ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Nông trường đã gửi ra mặt trận 278 cán bộ và công nhân, đa số họ là những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ Quốc, Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn không có dịp được quay về Nông trường, nhưng họ đã để lại những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa Anh hùng cách mạng. Nghĩ đến các anh mọi chúng ta ở các thế hệ Nông trường 2-9 luôn kính cẩn ghi nhớ công ơn. Một số đồng chí trở về Nông trường công tác mặc dù trong mình còn đầy thương tật vẫn phát huy truyền thống của anh bộ đội cụ Hồ và người công nhân năm xưa xây dựng Nông Trường phát triển đi lên .
Từ năm 1964 - 1967 trồng gai bị lỗ vốn nặng nên năm 1967 Nông trường bắt đầu trồng cam theo đúng qui hoạch của Bộ Nông trường. Vườn ươm cam đầu tiên tại khu Trụ sở cũ đủ trồng cho 1-2 ha ở Đội 1 và 3-4 ha ở Đội 2. Nông trường tiếp tục xây dựng 4 vườn ươm cam ở đội 1, 2, 5,7, gốc ghép đã có, mắt ghép phải đi mua ở Nông trường Đông Hiếu, Nông trường Sông Con Nghệ An. Hàng vạn mắt ghép giống Cam Sơn kít, xã Đoài, Na ven sông con ghép lên gốc ghép giống trấp đưa từ huyện Hải Hậu Nam Hà tạo nên giống cam ngon của Nông Trường 2-9, từ năm 1968 đến 1970 Nông trường trồng hoàn chỉnh 113,4 ha cam. Năm 1974 vườn cam đã sum xuê, quả vàng chín nặng xoá đi cảnh thua lỗ, gian khổ nhọc nhằn của thập kỷ 60. Sản lượng cam tăng dần từ 1975 đến đỉnh cao là năm 1978 sản lượng thu được 2.800 tấn, xuất khẩu được 2.200 tấn. Thành tích những năm này đã được vinh dự lớn là được Nhà nước tặng thưởng Nông trường Huân Chương Lao Động Hạng Ba. Tổ 1, đội 5 và bà Vũ Thị Hiên công nhân Nông trường cũng được tặng thưởng huân chương lao động hạng 3. Năm 1979 Nông trường tổ chức kỷ niệm 15 năm ngày thành lập với niềm hân hoan phấn khởi tự hào kỷ niệm một thời hoàng kim của Nông trường 2/9.
Nhưng cây trồng phát triển theo qui luật của nó, từ năm 1980 sản lượng cam giảm dần chỉ đạt trên 1.000 tấn/năm nhưng Nông trường vẫn đứng vào hàng các Nông trường khá nhất về sản lượng cam của tỉnh Hà Sơn Bình. Nên đã có công nhân Đội 6 tham gia đại biểu HĐND Tỉnh Hà Sơn Bình, đ/c Bí Thư Đoàn Thanh Niên Nông Trường được bầu vào Ban Chấp Hành Đoàn Thanh Niên Tỉnh và được TW Đoàn tặng cờ "Đơn vị xuất sắc”, đồng chí Đội trưởng đội sản xuất 1 được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình bầu là đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 5 tháng 3 năm 1982.
Trước tình hình cam xuống dốc, Đảng Bộ Nông trường đã đề nghị UBND tỉnh Hà Sơn Bình bổ xung nhiệm vụ trồng chè. Và hạt chè đầu tiên được trồng tại Đội 4 vào ngày 10/10/1983 với 17,7 ha, năm 1984 đến 1986 đã trồng được 240 ha. Do chủ quan trong chỉ đạo và cùng với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp nên sau khi xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp (năm 1986) chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa khi kiểm kê chỉ còn lại 80 ha đông đặc thiếu hụt 43 % diện tích. Đến năm 1988 Nông trường trồng tiếp 20 ha chè ở đội 1 và đội 2. Đưa tổng diện tích lên 100 héc ta.
Đến năm 1992 thực hiện Nghị định số 388-HĐBT ngày 20/11/1991 của Hội Đồng Bộ trưởng về việc thành lập và giải thể Doanh nghiệp nhà nước. “Nông Trường Quốc doanh 2-9” được Uỷ ban nhân dân Tỉnh Hoà Bình ra Quyết định số: 485/QĐ/UB ngày 06/11/1992 về việc thành lập doanh nghiệp Nhà nước: Nông trường 2-9 Hoà Bình; Trực thuộc Sở Nông nghiệp tỉnh Hòa Bình.
Năm 1998 đến năm 2000 Nông trường trồng tiếp 16 ha đưa tổng diện tích chè của Nông trường lên 116 ha vào kinh doanh. Năng suất năm 2002 đạt bình quân 85 tạ/ha đưa vào Xưởng Chế Biến được 796 tấn chè búp tươi. Ngoài nhiệm vụ trồng chè Nông trường trồng cây ăn quả nên đã thu được trên 200 tấn nhãn vải, hàng trăm tấn dứa quả và hàng gần chục nghìn tấn mía đường để bán cho 2 Công ty mía đường Hoà Bình và Việt Đài góp phần tăng thu nhập cho công nhân. Thành tích trong giai đoạn từ năm 1991-2000 đã được Đại hội thi đua nghành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hoà Bình tặng cờ thi đua đơn vị điển hình tiên tiến 10 năm.
Vững vàng xây dựng vượt khó không ngừng lớn mạnh
Thực hiện Nghị Quyết số 28-NQ/TW ngày ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh; Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh. Nông trường 2-9 Hòa Bình được chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên 2-9 Hoà Bình do Nhà nước làm chủ sở hữu, theo Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 24/7/2010 của Uỷ Ban nhân dân tỉnh Hoà Bình. Nhiệm vụ chính của Công ty là trồng và chế biến chè, trồng cây ăn quả, trồng mía, hoạt động dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi hỗn hợp, dịch vụ chăn nuôi, dịch vụ sau thu hoạch, và chế biến nông, lâm sản.
Được chuyển đổi thành công ty đây là cơ hội và cũng là thách thức trong điều kiện đất nước đổi mới, mở cửa; quá trình hội nhập trên các lĩnh vực diễn ra hết sức mạnh mẽ với những tiến bộ vượt bậc của KHCN, đã tạo ra những cơ hội và vận hội mới. Từng bước nâng cấp và đầu tư mới dây chuyền chế biến chè để đáp ứng cho việc chế biến ngày càng tăng về số lượng chè búp tươi, để làm ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong những năm qua, sản phẩm chè của Công ty TNHH MTV 2-9 Hòa Bình đã từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường, giá trị sản phẩm được nâng lên. Năm 2023, chè của công ty được chứng nhận sản phẩm, dịch vụ vàng vì người tiêu dùng tại Chương trình diễn đàn phát triển thương hiệu uy tín quốc gia. Tháng 01/2024, "Chè búp xanh Yên Thủy - Hòa Bình” được UBND tỉnh chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Sự nghiệp xây dựng và phát triển Công ty ngày nay như một cuộc chạy tiếp sức của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, CNVCLĐ. Công ty TNHH một thành viên 2-9 Hoà Bình mãi mãi ghi nhớ công lao và đóng góp to lớn của các cán bộ lãnh đạo, CNVCLĐ qua các thế hệ, bằng những việc làm có tên và không tên của mình, đã dệt nên những trang sử truyền thống vẻ vang của Công ty. Thế hệ ngày nay đang kế thừa truyền thống vẻ vang đó, tiếp tục đoàn kết để đổi mới và sáng tạo, luôn “cố gắng không ngừng” đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khai thác triệt để đất đai, tiếp tục chuyển đổi mạnh cơ cấu giống mới vào sản xuất (chè giống mới, cam chất lượng cao) đầu tư trang bị máy móc nâng cấp xưởng chế biến chè, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đảng bộ, các tổ chức đoàn thể vững mạnh, thực hiện tốt phương án sản xuất kinh doanh đã được tỉnh thông qua, doanh nghiệp sản xuất có lợi nhuận cao, đời sống của người lao động ngày càng được nâng cao, xây dựng công ty là doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, là hạt nhân khoa học kỹ thuật và dịch vụ có tính lan toả cao./.
PHI LONG