Đất canh tác cho dân ở khu TĐC thủy điện A Lưới toàn sỏi đá 

Sáng 19/11, đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiểm tra thực địa nghiên cứu cải tạo đất không sản xuất được lúa nước ở khu tái định cư (TĐC) thuỷ điện A Lưới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (giữa) chỉ đạo tại buổi đi kiểm tra
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (giữa) chỉ đạo tại buổi đi kiểm tra

Theo báo báo cáo của UBND huyện A Lưới, thực hiện chủ trương về việc di dời TĐC, định canh của dự án thủy điện A Lưới, đến nay, người dân đã đến nơi ở mới 9 năm. Tuy nhiên, việc cấp đổi đất để sản xuất lúa nước cho người dân mới chỉ thực hiện được 9/24ha, diện tích 15 ha còn lại không sản xuất được do sỏi đá quá nhiều, tầng canh tác không đảm bảo, lượng nước tưới thủy lợi không đủ.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, mặt bằng chủ yếu là đá, tầng đất mỏng không phù hợp canh tác lúa nước. Ngoài ra, lượng nước thủy lợi không đủ cũng là nguyên do không canh tác được...

Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chỉ đạo địa phương và các đơn vị liên quan cần có phương án phù hợp hỗ trợ người dân, giúp người dân ở khu TĐC thuỷ điện A Lưới sớm ổn định cuộc sống.

"Với đất không thể canh tác được do đất xấu, nhiều đá thì các đơn vị nghiên cứu phương án chăn nuôi mới như trang trại chăn nuôi lợn, hồ cá, giống cây phù hợp với thổ nhưỡng... để bàn giao cho người dân; đối với đất có khả năng canh tác được thì xây dựng các trạm bơm để có nguồn nước phục vụ sản xuất lúa nước cho người dân", ông Phương gợi ý các phương án thực hiện.

Theo ông Lê Thanh Lục, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng người dân địa phương đã thử trồng cây keo, tràm... nhưng do đất xấu, đá nhiều nên không thể trồng được; do đó, 15 ha đất hiện này đã bỏ hoang, ông Lục nói.

Đất có nhiều đá, tầng đất mỏng khó khăn cho canh tác lúa nước
Đất có nhiều đá, tầng đất mỏng khó khăn cho canh tác lúa nước

Vào giữa năm 2007, dự án thủy điện A Lưới do Công ty CP thủy điện miền Trung làm chủ đầu tư khởi công xây dựng ở thượng nguồn sông A Sáp, với công suất máy 170MW, tổng mức đầu tư lên đến 3.234 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, có khoảng 1.300 hộ dân sống trên địa bàn các xã Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Quảng, Phú Vinh, Sơn Thủy và Nhâm thuộc huyện A Lưới với gần 1.900 ha đất rừng bị thu hồi và ảnh hưởng do nằm trong vùng lòng hồ thủy điện.

Quốc Dũng

Từ khóa: