Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Công ty SJC huy động năng lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước với khối lượng lớn, để phục vụ việc can thiệp bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời tổ chức tốt hoạt động kinh doanh, đảm bảo hoạt động kinh doanh được thực hiện liên tục.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn vướng mắc về kế hoạch tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch sản xuất vàng miếng SJC, kịp thời báo cáo UBND TP.HCM để được xem xét, chỉ đạo giải quyết.
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ Công ty SJC trong việc tham gia ổn định thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hạ giá bán vàng miếng trong ngày 5/6 xuống còn 76,98 triệu đồng/lượng và giá vàng SJC giảm về 76,78-77,98 triệu đồng/lượng. NHNN cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.
Cùng với 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước – NHTM Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank), Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quí Sài Gòn (SJC) sẽ tham gia mua vàng từ NHNN để bán trực tiếp tới người dân.
Là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, SJC có mạng lưới phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trong đó có 36 cửa hàng được phép giao dịch vàng miếng SJC.
SJC được NHNN lấy thương hiệu để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm về chất lượng vàng miếng SJC. Việc tham gia của SJC sẽ bổ sung thêm số lượng đơn vị tham gia cung ứng vàng miếng trực tiếp tới người dân.
Sau khi NHNN thông báo bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng, giá vàng đã liên tục giảm sâu trong những ngày gần đây. Hiện giá bán vàng miếng tại các nhà vàng lớn đều đã giảm về ngang giá bán của công ty SJC và 4 NHTM Nhà nước. Cụ thể, giá bán ra của các ngân hàng và SJC cuối ngày 5/6 là 76,98 triệu đồng/lượng, giảm hơn 2 triệu đồng/lượng so với hai ngày trước đó.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng nói chung trong quý đầu năm nay đạt 18,3 tấn, tăng 6,13% so với cùng kỳ năm 2023 và lọt top 10 quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Trong đó, nhu cầu vàng miếng và vàng xu chứng kiến mức tăng 12% so với cùng kỳ, ở mức 14,1 tấn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của WGC, tại Việt Nam đã có sự suy giảm đáng kể về nhu cầu vàng trang sức, giảm 10% xuống còn 4,1 tấn so với. Đây cũng là xu hướng của nhiều thị trường trên thế giới.
Trong khi đó, cung vàng miếng tại thị trường nội địa khan hiếm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về kiểm soát thị trường vàng và độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC.
Thời gian qua, giá vàng quốc tế tăng trên 2.000 USD/ounce, kéo giá vàng trong nước đi lên, song giá trong nước cao hơn quốc tế đến 20 triệu đồng/lượng vào thời điểm vàng vọt lên trên 92 triệu đồng/lượng tháng trước. Dù giá tăng nóng, không ít người dân vẫn tìm mua vàng, nhưng nay đã lỗ đậm.
PV