Đi từ thị trấn Bắc Yên, men theo con đường dài 14 km uốn lượn trên các triền núi, đỉnh Tà Xùa hiện ra trước mắt thơ mộng và hùng vĩ. Đứng từ trên cao phóng tầm mắt có thể quan sát toàn cảnh núi rừng vùng cao, xa xa là thị trấn Bắc Yên thanh bình.
Tà Xùa có độ cao khoảng từ 1.500m - 1.700m so với mặt nước biển, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, mùa đông thường rất lạnh, những ngày giá rét còn xuất hiện băng tuyết. Du khách đến Tà Xùa để được đắm mình trong cảnh sắc đẹp tựa chốn bồng lai với “thiên đường mây” và trập trùng đồi núi; Nơi đây đã quá nổi tiếng với những địa điểm “check in” như Thiên đường mây Tà Xùa; đỉnh gió, cây cô đơn, mỏm Lạc Đà, mỏm Cá Heo, hồ thủy điện Xuân Thiện… Bên cạnh đó, thời gian gần đây những vườn chè cổ thụ cũng là điểm đến hấp dẫn của giới trẻ.
Nằm sâu trong rừng đặc dụng Tà Xùa, thuộc địa phận bản Chống Tra, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, có những cây chè cổ thụ vài trăm năm tuổi, thân cây xù xì, rêu phong, có những cây thân to cả người ôm không hết. Khác với vùng chè shan tuyết cổ thụ ở bản Mống Vàng và Chung Chinh của xã Tà Xùa, những cây chè cổ thụ nằm rải rác dưới tán những cây rừng nên khá thấp, từ thân đến cành chi chít những búp chè xanh.
Tà Xùa xanh thẳm, xung quanh 4 mùa sương mây bao phủ. Những vườn chè cổ thụ Tà Xùa có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi được công nhận cây di sản Việt Nam. Đây là vùng núi cao khí hậu đặc biệt, thời tiết 4 mùa rõ rệt trong một ngày. Ban đêm lạnh giá đặc trưng của mùa đông, đến sáng có sương kèm mưa phùn mùa xuân, trưa nắng lên nhiệt độ cao giống mùa hè, đến chiều lại se se lạnh như mùa thu. Đặc trưng thời tiết ấy khiến sản phẩm trà sau khi được hái, sao từ rừng chè cổ thụ có vị riêng, độc đáo, vị chát rất thanh và dư vị ngọt kéo dài sau khi uống.
Du khách đến nơi đây sẽ được trải nghiệm hái chè, sao chè bằng tay và thưởng thức loại trà đặc biệt từ những cây chè cổ thụ nổi tiếng. Chè Tà Xùa nổi tiếng với búp trắng cánh vàng và hương vị đặc trưng không nơi nào có được. Bên cạnh đó du khách còn được hòa mình vào cuộc sống giản dị, dân dã, độc đáo của đồng bào Mông, đắm say với điều khèn, tiếng sáo...
Đồng chí Đỗ Văn Tuyến, Bí thư Đảng ủy xã Tà Xùa, cho biết: Đảng ủy xã đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế theo 2 vùng, gồm khu bản Tà Xùa, bản Chung Trinh với lợi thế về cây chè Tà Xùa, táo sơn tra, thảo quả gắn với du lịch trải nghiệm, khám phá; khu bản Trò A, bản Bẹ với lợi thế về chăn nuôi trâu, bò, trồng cây đào gắn với du lịch nghỉ dưỡng. Tuyên truyền người dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Xã đã triển khai việc bảo tồn các đồi chè, tăng diện tích cây chè phục vụ các hoạt động du lịch trải nghiệm hái, sao chè; lựa chọn các nghệ nhân truyền dạy hát dân ca, múa dân gian, dạy nhạc và đệm nhạc cho các tiết mục và thành lập đội văn nghệ bản Tà Xùa với 20 thành viên, biểu diễn phục vụ du lịch.
Hương Trà