Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 nhen nhóm từ cuối tháng tư vừa qua khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội đã đẩy nhiều sàn bất động sản nhỏ lẻ, tiềm lực tài chính yếu kém phải dừng hoạt động, làm hàng loạt môi giới bất động sản vào cảnh thất nghiệp.
Hoàng Lan, cựu sinh viên của trường Đại học Thương Mại đã có 3 năm kinh nghiệm trong nghề chia sẻ, nhiều đồng nghiệp của Lan từng làm cùng tại một số sàn giao dịch bất động sản đã phải bỏ cuộc, chuyển sang làm shipper, bán hàng online… Thời điểm này, nhiều người phải chọn ngã rẽ chẳng liên quan đến nghề bất động sản để có chi phí lo cho cuộc sống và thích ứng trong dịch bệnh.
Một bạn trẻ tên Hoàng Quyết tâm sự đã từng bỏ quê lên Sài Gòn xa xôi sau khi nhận được tuyển dụng của một công ty bất động sản.
Quyết cho rằng đây là cái nghề giúp con người ta đổi đời khi có tài ăn nói cùng với cái duyên khi giao tiếp với khách hàng. Song thực tế chỉ sau hơn 2 năm kinh nghiệm qua 2 công ty bất động sản với vị trí môi giới, Quyết phải ngậm ngùi chuyển sang công việc văn phòng khác.
Dịch bệnh xảy ra, kèm theo đó là muôn vàn lý do khiến Quyết từ bỏ nghề vì chán ngán đó là thu nhập, chưa kể phải làm không ít những công việc mà anh cho là "trái lương tâm". Lương cứng theo thoả thuận sẽ là hơn 4 triệu đồng/tháng nhưng thực tế, đa số các tháng nhận được chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng sau khi trừ một số khoản. Người ta vẫn nói môi giới thì không đợi lương mà chờ hoa hồng, chiết khấu nhưng Quyết cho biết, có thời gian không "chốt" được một căn/lô.
Gần một năm trở lại đây, thời điểm dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Chị Bích Hoa, một nhân viên môi giới bất động sản lâu năm tại Quận 1 chia sẻ đã phải chuyển sang nghề bán hàng online để có thể cầm cự được với nghề môi giới.
“Vẫn may mắn bởi có nguồn tiền tích cóp từ những năm qua nên khi xoay sang nghề tay trái chị Hoa không quá khó khăn như các bạn môi giới trẻ mới vào nghề. Có nhiều môi giới đã dốc sạch tài khoản cho các khâu chạy quảng cáo tìm khách nhưng đúng đợt dịch bệnh liên tiếp, khó khăn khắp nơi không thể “chốt” bán được đành mất trắng phần chi phí này và không thể cầm cự hay bám trụ thêm được nghề môi giới”. Chị Hoa chia sẻ.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản hiện nay đang vô cùng khó khăn. Các chỉ thị về giãn cách, không tập trung đông người khiến các sự kiện mở bán, giới thiệu sản phẩm không tổ chức được. Do đó, nhiều sàn rơi vào tình cảnh không có hàng để bán. Đã có những sàn bị phá sản vì không chống đỡ được Covid-19. Các môi giới cũng cần phải tự chuẩn bị một công việc có thể mang lại nguồn thu nhập cố định khác. Không thể xem việc làm tại nhà chỉ là tạm bợ, qua loa, rồi chờ dịch qua thì sẽ mất dần hiệu quả.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm này, hầu như chỉ những sàn giao dịch bất động sản thuộc một số doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như Công ty Cổ phần dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, Hải Phát Land, Cen Group… mới tiếp tục duy trì hoạt động.
Hầu hết các sàn này đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như: bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý thông tin, giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại, khoảng 70% số lượng các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì rất nhiều trong số đó đang phải tạm dừng hoạt động.
Khảo sát thực tế cho thấy, mức lương cơ bản dành cho một nhân viên môi giới bất động sản thường rất thấp từ 3-5 triệu đồng/tháng, tùy theo kinh nghiệm làm việc. Thu nhập của môi giới chủ yếu từ nguồn phần trăm được trích lại sau khi bán sản phẩm. Bởi vậy, nếu không có giao dịch thành công dù được hưởng lương cơ bản hàng tháng cũng không đáng kể so với chi phí marketing sản phẩm mà bản thân các môi giới phải tự bỏ ra để quảng bá theo các kênh riêng.