Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị đều có mức tăng khá khiêm tốn. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua - Ảnh 1

* Theo BSC, có thể mở vị thế cổ phiếu SBT tại vùng giá 15-16

Chỉ báo MACD ủng hộ xu hướng tăng giá trong khi chỉ báo RSI đang cho thấy nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Đường giá cổ phiếu đang đã vượt lên dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư dài hạn có thể mở vị thế cổ phiếu tại vùng giá 15-16.0 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận ngưỡng 18.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 14.0. Nếu cổ phiếu duy trì thanh khoản cao khi đột phá ngưỡng 18.0, SBT có thể kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 20 trong các phiên giao dịch tới.

Mới đây, SBT đã thông báo, ngày 13/10 tới sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHCĐ thường niên niên độ 2019-2020, thời gian họp trước ngày 28/10/2020. Trước thềm ĐHCĐ thường niên, cổ phiếu SBT giao dịch khá khởi sắc.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, trong đó có 1 phiên tăng trần ngày 1/10, 1 phiên giảm ngày 29/9 và 1 phiên đứng giá tham chiếu ngày 28/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SBT tăng 1.000 đồng (+6,58%) từ mức giá 15.200 đồng/CP lên 16.200 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu HSG

Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý cho HSG trong 1 năm tới là 15.800 đồng/CP theo phương pháp P/E dựa trên dự báo EPS niên độ 2020/21 = 1.980 đồng/CP và P/E mục tiêu là 8 lần. Giá cổ phiếu HSG diễn biến tích cực trong thời gian gần đây, phản ảnh tăng trưởng kết quả kinh doanh và đã vượt 28% so với giá khuyến nghị cho năm 2020 của chúng tôi trong báo cáo hồi tháng 6.

Diễn biến cổ phiếu HSG tuần qua biến động khá giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ. Thống kê cả tuần, cổ phiếu HSG đã đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng, giá cổ phiếu HSG chỉ tăng nhẹ 200 đồng (+1,31%) từ mức giá 15.250 đồng/CP lên 15.450 đồng/CP.

* Theo BSC, có thể mở vị thế cổ phiếu CTD tại vùng giá 65-70.0

Chỉ báo MACD đang cho thấy dấu hiệu điều chỉnh trong khi chỉ báo RSI đang cho thấy dấu hiệu hồi phục. Đường giá cổ phiếu đang nằm dưới dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn chưa hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư dài hạn có thể mở vị thế cổ phiếu tại vùng giá 65-70.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận ngưỡng 80.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 65.0.

Coteccons liên tục thay đổi nhận sự chủ chốt, mới đây nhất là việc bổ nhiệm ông Bolat Duisenov làm Trưởng ban chiến lược. Tuy nhiên, những thông tin này chưa giúp cổ phiếu CTD lấy lại đà tăng điểm. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên tăng duy nhất ngày 30/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTD giảm 2.600 đồng (-3,65%) từ mức giá 71.300 đồng/CP xuống 68.700 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 137.800 đồng/cổ phiếu

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG và điều chỉnh tăng giá mục tiêu từ 129.000 lên 137.800 đồng/cổ phiếu so với báo cáo gần nhất. Chúng tôi thực hiện đánh giá lại tình hình kinh doanh của công ty và dự báo doanh thu có thể đạt 119.235 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế tăng lên 5.509 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,7% và 10,7% thực hiện của năm 2019.

Không nằm ngoài nhận định của MBS. Thông tin ngày 20/10 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ 15%, thời gian trả từ ngày 30/10, đã hỗ trợ tốt cho đà tăng của cổ phiếu MWG.

Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG tăng 3.500 đồng (+3,48%) từ mức giá 100.500 đồng/CP lên 104.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DRC

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho DRC với tổng mức sinh lời dự phóng 4,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,2%.

Mới đây, Cao su Đà Nẵng đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt ước đạt 2.530 tỷ đồng và 180 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả này cũng không quá bất ngờ bởi 2 thị trường xuất khẩu lốp radial chính của DRC hiện nay là Mỹ và Brazil đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Chính vì vậy, diễn biến cổ phiếu DRC vẫn khá khởi sắc với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó phiên 30/9 tăng trần và 1 phiên giảm ngày 2/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DRC tăng 1.450 đồng (+7,57%) từ mức giá 19.150 đồng/CP lên 20.600 đồng/CP.

* Theo BSC, có thể mở vị thế cổ phiếu CEO ở ngưỡng giá 7.5

Chỉ báo MACD đang cho thấy dấu hiệu tích cực trong khi chỉ báo RSI đang cho thấy dấu hiệu bứt phá sau hai kênh Bollinger co hẹp lại trong một thời gian dài. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế ở ngưỡng giá 7.5 và chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận ngưỡng 8.5, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 7.0.

Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 1 phiên giảm và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CEO tăng 300 đồng (+4,23%) từ mức giá 7.100 đồng/CP lên 7.400 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 63.580 đồng/CP

Chúng tôi tiếp tục giữ khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 63.580 đồng, (+26.4% so với mức giá ngày 25/09/2020) cho năm 2021 dựa trên hai phương pháp FCFE và PE với tỷ trọng 60%/40%; cao hơn 22.5% so với giá mục tiêu 2020 do kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan trở lại trong năm 2021.

Diễn biến cổ phiếu FPT không được như kỳ vọng của BSC, dù kết quả kinh doanh 8 tháng khá khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt 3.343 tỷ đồng, tăng trưởng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 500 đồng (-0,98%) từ mức giá 50.800 đồng/CP xuống 50.300 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 32.300 đồng/CP

Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá NAV để định giá cổ phiếu NLG. Giá trị hợp lý cho NLG đạt 32.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn 27% so với mức giá giao dịch chốt ngày 28/09. Vì vậy, chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG.

Diễn biến cổ phiếu NLG tuần qua vẫn biến động trong biên độ hẹp. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm ngày cuối tuần 2/10 và 1 phiên đứng giá tham chiếu ngày 29/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG tăng nhẹ 500 đồng (+1,96%) từ mức giá 25.500 đồng/CP lên 26.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị trung lập TPB, MBS khuyến nghị nắm giữ

Theo BVSC, TPB đóng cửa ở mức 23.700 đồng/cổ phiếu, giao dịch ở mức P/E và P/B năm 2020 là 5,7x và 1,1x và năm 2021 là 5,0x và 0,9x với ROAE trung bình năm 2020-21 là 21,4%. Đánh giá NEUTRAL đối với TPB dựa trên mức giá mục tiêu 1 năm là 25.600 đồng/cp (tiềm năng tăng giá 8,0%), định giá cổ phiếu ở mức P/B năm 2020 và 2021 lần lượt là 1,26x và 1,02x.

Bên cạnh đó, MBS đưa ra khuyến nghị nắm giữ TPB với giá mục tiêu 25.400 đồng/CP (7% upside) với phương pháp so sánh P/B và chiết khấu thu nhập thặng dư (RI), với mức P/B hiện thời của ngân hàng là 1.2x.

Trong khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng chỉ biến động lình xình hoặc mất điểm thì vẫn có những mã giao dịch khởi sắc, điển hình là TPB. Bên cạnh thanh khoản sôi động qua từng phiên, cổ phiếu TPB cũng tăng khá tốt trong tuần qua.

Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 29/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TPB tăng 1.350 đồng (+5,74%) từ mức giá 23.500 đồng/CP lên 24.850 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu SCS với giá mục tiêu 140.000 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu SCS với giá mục tiêu 140.000 đồng/CP trên cơ sở (i) Tiềm năng tăng trưởng xuất nhập khẩu đến từ những hiệp định thương mại mới được ký kết và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng tới Việt Nam, (ii) SCS đầu tư mới tăng năng suất chứa hàng lên tới 350.000 tấn/năm trong khi các đối thủ cạnh tranh đã sử dụng hết công suất.

Trái với khuyến nghị của MBS, tuần qua, cổ phiếu SCS vẫn biến động trong biên độ hẹp và tiếp tục mất giá. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày 1/10 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SCS giảm 700 đồng (-0,57%) từ mức giá 122.500 đồng/CP xuống 121.800 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVT

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho PVT với giá mục tiêu 13.300 đồng (tổng mức sinh lời dự phóng 6,5% bao gồm lợi suất cổ tức 5,3%). Theo giá đóng cửa hôm nay, PVT hiện đang giao dịch với EV/EBITDA 3,8 lần trong năm 2020, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Mới đây, PVTrans đã công bố 9 tháng đầu năm, doanh thu ước đạt 5.345 tỷ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 565 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch cả năm. Thông tin này đã giúp cổ phiếu PVT duy trì đà khởi sắc trong tuần qua.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVT tăng 950 đồng (+7,22%) từ mức giá 13.150 đồng/CP lên 14.100 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu FCN nằm tại mức 13

Các chỉ báo xu hướng hiện đều ủng hộ cho trạng thái tích cực của FCN. Tuy nhiên, do chỉ báo RSI đã đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể sẽ xuất hiện sự điều chỉnh trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của FCN nằm tại xung quanh giá 11. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 13, cắt lỗ nếu mệnh giá 10 bị xuyên thủng.

Cũng như một số mã cổ phiếu khác, thông tin tích cực từ công bố ước lợi nhuận quý III đạt 50 tỷ đồng và tự tin hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020, cổ phiếu FCN cũng có những phiên giao dịch khởi sắc trong tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FCN tăng 350 đồng (+3,08%) từ mức giá 11.350 đồng/CP lên 11.700 đồng/CP.

N.T

Theo Đầu tư Chứng khoán