Ban tổ chức Diễn đàn gồm có: Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Công Thương; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (Ban Tổ chức 248); Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Diễn đàn gồm ba hoạt động chính: Tọa đàm, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu, quản lý và các doanh nghiệp về các nội dung: Lí luận chung về tiếp biến văn hóa để phát triển; Vai trò của tiếp biến văn hóa đối với phát triển bền vững kinh tế; Bài học kinh nghiệm thực tiễn Việt Nam và thế giới; Tiếp biến văn hóa để tồn tại, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong và sau đại dịch COVID-19; Tiếp biến văn hóa - nền tảng để hội nhập kinh tế quốc tế thành công; Đề xuất các kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan; Sơ kết 5 năm triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Sự kiện nhằm tạo một Diễn đàn quy mô quốc gia mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà quản lý và nghiên cứu về văn hoá doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh; khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hoá trong phát triển bền vững kinh tế, kiến tạo môi trường kinh doanh. Diễn đàn cũng là dịp để cộng đồng doanh nghiệp đề xuất các kiến nghị về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Ông Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch VNABC, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê chia sẻ, tiếp biến văn hóa là một trong những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển, mở rộng lĩnh vực hoạt động và quy mô sản xuất để hòa mình vào xu thế hội nhập với thế giới của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tham khảo, học hỏi, tiếp thu những tri thức, kinh nghiệm, cách tư duy, mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh... của nước ngoài, nhưng cũng phải có sự vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tiễn Việt Nam. Văn hóa doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh trở thành yêu cầu bức thiết, là nền tảng cho các doanh nghiệp hoạt động, nhất là trong thời kỳ đại dịch. Bởi lúc này, văn hóa doanh nghiệp giúp gắn kết hoạt động nội bộ, duy trì hoạt động doanh nghiệp, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn “bình thường mới”.
“Trong đại dịch, văn hóa doanh nghiệp là công cụ tạo ra sự kết nối, là liều thuốc, là vắc xin cho việc phục hồi hoạt động kinh tế”, ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.
Với Lễ tôn vinh và trao chứng nhận "Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam", các doanh nghiệp đạt chuẩn phải đáp ứng đủ các tiêu chí trong Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành và qua sự thẩm định của Hội đồng quốc gia trên nguyên tắc "Minh bạch - Công tâm - Công bằng". Buổi lễ cũng tiến hành vinh danh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”.
Diễn đàn là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam 10/11; Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì, trong đó có nội dung xây dựng văn hóa doanh nghiệp; Cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Hoàng Nhung