Từ một cơ sở trồng dâu tây nhỏ lẻ ban đầu, đến giờ HTX dâu tây Xuân Quế đã trồng được 50ha dâu tây, ước tính sản lượng khoảng 1.000 tấn. Ảnh: Phạm Duy.
Những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, trong tiết trời ấm áp của tháng 3, chúng tôi đã vượt chặng đường khoảng gần 300km từ thành phố Hà Nội có mặt tại Lan Lan Farm dâu tây nổi tiếng bậc nhất đất Sơn La (HTX dâu tây Xuân Quế) của anh tọa lạc tại bản Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La). Bắt gặp chúng tôi bằng những nụ cười sảng khoái và những cái bắt tay thân thiện từ anh, doanh nhân Nguyễn Văn Nam nhìn trẻ hơn nhiều so với tuổi 44, anh không nhận mình là doanh nhân, chỉ khiêm tốn coi mình là nông dân chính hiệu, có lẽ vì con đường và mục tiêu bấy lâu anh hướng tới đều tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp.
Hành trình khởi nghiệp với cây dâu tây
Bằng những sự trải lòng từ anh trong cuộc trò chuyện với chúng tôi khi nói về con đường chinh phục tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp và đưa giống cây dâu tây về vùng đất Xuân Quế - Cò Nòi đầu tiên trồng thí điểm, anh chia sẻ, bố mẹ anh quê ở Ninh Bình. Năm 1977, họ dắt díu nhau lên đất Cò Nòi để khai hoang. Nhà đã nghèo khó, bố mẹ lại sinh tới 7 người con. Cuộc sống khó nhọc, thiếu thốn đó cứ lần hồi trôi qua. Năm 18 tuổi, anh Nam đã lấy vợ. Trước đây cả vựa dâu tây này bà con trồng toàn ngô với sắn. Nông sản thu được không bù được công người trồng.
Những năm tháng khó nhọc, thiếu thốn trăm đường đó cũng dần trôi qua. Khi đó phong trào chăn nuôi lợn đang lan rộng. Anh Nam cũng mạnh dạn đầu tư xây chuồng, nuôi mấy trăm con lợn. Từ một anh nông dân chưa hiểu gì về chăn nuôi quy mô lớn mà anh đã làm cả hệ thống chuồng trại lớn. Sự thất bại là điều không tránh khỏi. Vốn vay ngày một dày hơn. Có giai đoạn, tiền làm ra không đủ trả lãi cho ngân hàng.
Việc nuôi lợn chưa đâu vào đâu, anh Nam mạnh dạn bàn với gia đình, "cắm" thêm sổ đỏ để mua 2 chiếc xe ô tô chạy chở khách du lịch. Khi anh vừa sắm xe năm trước, năm sau xảy ra dịch covid. Công việc vận chuyển bị đình đốn. Anh vội bán 2 chiếc xe đi và cộng khoản lỗ hơn nửa tỷ đồng.
Năm đó ở xã Cò Nòi có lác đác một số hộ dân đã trồng thành công cây dâu tây và cho hiệu quả kinh tế cao. Ngay trong năm đó, anh Nam lại vay tiền tiếp tục đầu tư vào dự án mới. Năm đó anh trồng 5.000m2.
"Cây dâu tây khiến tôi bỡ ngỡ vô cùng. Chẳng hiểu gì về cách trồng, chăm sóc. Nhưng tôi vẫn quyết tâm học hỏi và trồng cho bằng được. Tôi tin cây dâu tây sẽ cứu vớt cuộc đời tôi", anh Nam nhắc lại quyết định mở ra hướng làm ăn mới cho mình.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) kiểm tra chất lượng quả trước khi xuất bán ra thị trường. Ảnh: Văn Bình.
“Dâu tây là loại trái cây ăn tươi nên để chinh phục được khách hàng là một hành trình không đơn giản. Khi mới phát triển cây dâu tây, ngày nào bán được vài chục kg quả là chúng tôi vui lắm rồi. Nhưng bây giờ thì hơn 50ha dâu tây của HTX chúng tôi, có những ngày bán được cả tấn mà khách hàng vẫn đặt đơn tới tấp”, anh Nam chia sẻ thêm.
Ngay trong vụ đầu anh Nam đã thu được hơn nửa tỷ đồng từ vườn dâu tây. Sẵn máu làm ăn, vụ sau anh mở rộng diện tích lên 4 đến 5 năm lần. Sau mỗi năm cây dâu tây mang lại cho anh nguồn thu lớn. Anh Nam trả được nợ và còn mạnh dạn mua thêm đất để mở rộng sản xuất.
Không dừng lại ở quy mô hộ gia đình, năm 2017, anh còn mạnh dạn thành lập HTX dâu tây Xuân Quế, đây là cơ hội để anh mở rộng quy mô hoạt động, cũng như nâng giá trị của cây dâu tây, hiện HTX có 100 nhân công và có 12 hộ là thành viên chính thức, 05 hộ liên kết sản xuất. Đến nay, HTX đã trở thành đơn vị trồng dâu tây lớn nhất đất Mai Sơn. Ước mơ làm giàu của người đàn ông xóm núi chưa dừng lại ở đó. Anh còn đang ấp ủ trồng dâu tây theo hướng hữu cơ.
Nâng tầm chất lượng dâu tây
Xưởng sản xuất và cũng là trụ sở của HTX dâu tây Xuân Quế của anh Nam nằm bên mặt đường Quốc lộ 37. Thửa đất rộng dài của gia đình anh kéo dài tới tận chân núi. Phía trong có cả hệ thống máy móc hiện đại sấy hoa quả, đóng gói, đóng thùng và có cả kho lạnh. Hệ thống máy móc này phục vụ cho việc sơ chế và chế biến hoa quả của HTX.
Anh Nam chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã xây dựng kho lạnh để chứa quả dâu tây, chế biến thành siro dâu tây, rượu dâu tây, dâu tây sấy dẻo. Và năm nay HTX chúng tôi sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 300 tấn dâu đông lạnh để phục vụ sinh tố bãi biển”.
HTX dâu tây Xuân Quế cung cấp ra thị trường khoảng 300 tấn dâu đông lạnh. Ảnh: Văn Bình.
HTX của anh nổi tiếng khắp vùng bởi có sản phẩm dâu tây hoàng đế. Hóa ra trên những vườn trồng dâu tây thu được loại quả dâu tây rất to. Nó to bằng cái chén uống nước, tức là gấp 3 đến 4 lần so với quả dâu tây thường. Mỗi quả nặng hơn 100 gram. Nhờ sự đầu tư và chăm sóc xuất sắc, đất Cò Nòi mới tạo ra được quả dâu tây to đến vậy. Theo anh Nam, giá bán loại này không hề rẻ, trên 1 triệu đồng 1kg. Còn hàng tươi hiện tại trung bình đẹp là 70 nghìn đồng1kg, hàng cấp đông là giá 32 nghìn đồng 1kg về thị trường tiêu thụ là cấp cho cả nước.
Những quả dâu tây có trọng lượng trên 100gram của HTX dâu tây Xuân Quế với giá bán trên 1 triệu đồng 1kg.
Chưa tan tuần trà, anh dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất của HTX. Từ quốc lộ 37 đi sâu vào phía trong khoảng 1km là cả một vùng sản xuất rộng lớn. Giữa vùng núi non hiểm trở lại có khu sản xuất rộng thẳng cánh cò bay vài trăm ha như cánh đồng mẫu lớn ở dưới xuôi. Từng ô, từng thửa đã mọc lên màu xanh mơn mởn của cây dâu tây. Điều đáng nói là khu sản xuất nào cũng được đầu tư hệ thống tưới hiện đại. Mỗi gốc dâu tây được lắp một béc tưới tự động.
Dâu tây được trồng thành hàng thành lối, khu nọ nối tiếp khu kia chạy dài tới tận chân núi. Khu sản xuất của HTX cũng được quy hoạch bài bản. Anh Nam bước ra đồng tựa như được trở về với sở trường của mình. Anh bước đi nhanh thoăn thoắt, miệng nói tay làm, anh kiểm tra từng cây dâu tây. Cây nào cây nấy khỏe khoắn và xanh biếc.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế trao đổi với phóng viên về kỹ thuật chăm sóc và thu hái quả dâu tây. Ảnh: Văn Bình.
"Đây là giống dâu tây Ha Na của Nhật Bản. Giống này cây khỏe, cho năng suất cao và chất lượng ngon miễn chê. Toàn bộ diện tích 50ha của HTX đều trồng giống dâu tây này", anh Nam tự hào khoe.
Theo tính toán của anh Nam, để đầu tư trồng 1ha dâu tây hết trên 300 triệu đồng. Mỗi 1ha thu được khoảng 20 tấn, với giá bán 50.000 đồng/kg, người trồng thu được cả tỷ đồng chứ không ít. Cây dâu tây lại không kén đất. Bà con cứ trồng xuống là chúng sinh sôi, phát triển. Chẳng thế mà người Cò Nòi gọi cây dâu tây là cây làm giàu. Nhiều thửa đất không thể trồng ngô, trồng rau được mà cây dâu tây vẫn phát triển được.
Hiện nay, trên địa bàn xã Cò Nòi có hơn 70 ha trồng dâu tây, trong đó tập trung tại khu Tân Thảo với khoảng 50 ha. Theo ông Phạm Bá Tính, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, mỗi ha dâu tây cho thu hoạch khoảng 10 - 15 tấn quả/vụ, với giá bán từ 100.000 - 200.000 đồng/kg mỗi loại. Trung bình, mỗi ha dâu tây trừ chi phí có lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng/ vụ, đem lại thu nhập cao cho nhà nông. Những tín hiệu vui ấy có được nhờ việc quy hoạch và áp dụng những quy trình, kỹ thuật tiêu chuẩn trong trồng và chăm sóc dâu tây.
Đây là điểm hẹn hấp dẫn cho du khách thập phương trong hành trình du lịch Sơn La mùa xuân này. Ảnh: Phạm Duy.
Tại khu vực trồng dâu tây của HTX dâu tây Xuân Quế cũng đan xen trồng thêm cây tỏi tía Sơn La cũng là nguồn thu nhập phụ của HTX. Ảnh: Văn Bình.
“Dâu tây ở Cò Nòi cơ bản thực hiện quy trình áp dụng VietGAP, áp dụng giống của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản. Chúng tôi đã quy hoạch các vùng tập trung trong Tân Thảo, đảm bảo quy mô, quy trình, khuyến khích các HTX liên kết sản xuất, thực hiện đúng việc cam kết với các nhà thu mua. Khuyến khích việc nâng cao thương hiệu, chất lượng, giá trị sản phẩm, làm sao trong thời gian tới, xây dựng được thương hiệu dâu tây Mai Sơn, Sơn La” - ông Nguyễn Văn Nam nói.
Hành trình trên các chuyến bay của Vietnam Airlines
Ngày 12/2/2025, tại bản Tân Thảo, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã diễn ra lễ khởi hành đưa quả dâu tây lên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác toàn diện giữa UBND tỉnh Sơn La và Tổng công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2024 -2028.
Lễ khởi hành đưa quả dâu tây Sơn La trên các chuyến bay của Vietnam Airlines là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng và thiết thực trong việc tăng cường sự phối hợp giữa tỉnh Sơn La với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.
Đồng thời, là hoạt động đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến đưa sản phẩm nông sản của Sơn La ngày càng được đông đảo khách hàng biết đến với nhiều kênh tiêu thụ, nâng cao thương hiệu và giá trị của quả dâu tây.
Đặc biệt, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND huyện Mai Sơn khảo sát, đánh giá chất lượng và lựa chọn HTX Dâu tây Xuân Quế và HTX Dâu Tây ICHI FAM, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn để giới thiệu, quảng bá, cung cấp trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.
HTX Dâu tây Xuân Quế xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn được giới thiệu, quảng bá, cung cấp trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.
Xe đưa dâu tây Sơn La khởi hành trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cho biết: HTX thành lập từ năm 2017, gồm 17 thành viên, trồng 50 ha dâu tây. Từ năm 2018, toàn bộ diện tích trồng dâu tây của HTX đã trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt 1.000 tấn/năm, các sản phẩm dâu tây đều được tiêu thụ tại các siêu thị trong nước và xuất khẩu sang thị trường một số nước châu Âu.
Từ đầu vụ đến nay, HTX đã thu hoạch được khoảng 100 tấn cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, với giá 250 - 300 nghìn đồng/kg. Sản phẩm dâu tây của HTX được phục vụ hành khách trên các chuyến bay của Vietnam Airlines là cơ hội để HTX mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX. Tại lễ khởi hành, hơn 500 kg dâu tây Sơn La đã được tỉnh Sơn La bàn giao cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam để giới thiệu, quảng bá trên các chuyến bay của Vietnam Airlines phục vụ khách hàng.
Cây dâu tây đang phát huy hiệu quả, là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện Mai Sơn. Chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dâu tây là hướng đi đúng, không những giải quyết việc làm cho lao động nông thôn mà còn tăng thu nhập trên diện tích canh tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới.
Không chỉ đem về những mùa quả ngọt cho bà con, mỗi vườn dâu tây chín đỏ nổi bật trên nền lá xanh mướt còn thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm, tự tay hái quả và lưu lại cho mình những bức hình độc đáo. Đây là điểm hẹn hấp dẫn cho du khách thập phương trong hành trình du lịch Sơn La mùa xuân này./.
SƠN THỦY - PHẠM DUY