Tại những thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, sàn thương mại điện từ (TMĐT) đã trở thành kênh bán hàng hiệu quả với rất nhiều hộ gia đình. Đơn cử như ở Thái Nguyên, nhiều đặc sản như chè đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt kể từ khi Covid-19. Nếu như trước đây, loại đặc sản như chè Đinh Thái Nguyên chỉ được bán qua các hình thức truyền thống, thì nay sản phẩm này đã lên sàn thương mại điện tử, có thể đến tay người tiêu dùng cả nước chỉ trong vòng 2-3 ngày đặt hàng.
Không những vậy, khi đưa mặt hàng chè lên sàn, mức doanh thu hàng tháng, hàng năm của nhiều đơn vị đã cao hơn bình thường trước kia. Khách hàng cũng dành nhiều lời khen cho sản phẩm vì thông tin rõ ràng, minh bạch về nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Như với HTX chè Hảo Đạt tại Tân Cương, Thái Nguyên khi đưa các sản phẩm lên giới thiệu tại gian hàng số trên sàn TMĐT thu nhập của các hộ gia đình trong Hợp tác xã đều tăng gấp đôi so với trước.
Trên Postmart, hiện gần 40 sản phẩm của Thái Nguyên được giới thiệu, bày bán. Tương tự, trên sàn Vỏ sò của Viettel, hơn 100 sản phẩm của tình này được bán. Theo đại diện các sàn, số lượng sản phẩm sẽ tăng trong thời gian tới nhờ sự phối hợp giữa các đơn vị và cơ quan chức năng, cùng các hộ sản xuất kinh doanh.
Theo Sở NN-PTNT Thái Nguyên, thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, đơn vị này đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị Bưu điện Thái Nguyên, Viettel Thái Nguyên,... hỗ trợ 55.000 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn mở gian hàng, khoảng 1.500 sản phẩm được bán trên sàn.
Còn theo Sở TT&TT Thái Nguyên, tính đến 2/2022, hơn 60.000 hộ dân sản xuất nông nghiệp được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng. Số hộ sản xuất nông nghiệp được mở gian hàng trên hai sàn Postmart và Vỏ Sò hơn 54.000 hộ. Số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn hơn 2.000 mặt hàng. Số lượng sản phẩm OCOP được đưa lên sàn gần 150 sản phẩm. Chính sự thính ứng lên sàn thương mại điện tử trong bối cảnh mới, nhiều nông sản đã được tiêu thụ nhanh chóng.
Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ nằm trong top 5 địa phương trong cả nước, top 3 địa phương khu vực phía Bắc về đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT. Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản qua kênh thương mại điện tử trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Tổ Công tác 1034 (Bộ Thông tin và Truyền thông) triển khai Chương trình hướng dẫn trực tiếp cho các hợp tác xã, hộ sản xuất của vùng chè trọng điểm tại xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên về những kiến thức khi tham gia sàn thương mại điện tử. Tại Chương trình, các hợp tác xã và hộ sản xuất chè đã được hướng dẫn cách thức tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn với các nội dung như: Thực hành tạo tài khoản tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; khởi tạo gian hàng; đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng; cách chụp ảnh, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm; cách thức gói bọc, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm; tổ chức mẫu một phiên livestream ngắn bán hàng trên sàn thương mại điện tử…
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp có nhu cầu đăng ký đưa sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Phối hợp với UBND các huyện, TP, thị xã lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, có sản phẩm đạt các chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, hữu cơ, xác nhận theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực... để tập trung hỗ trợ, xây dựng điển hình nhằm dẫn dắt, lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử.
Hỗ trợ đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp qua sàn thương mại điện tử và các kênh phân phối của DN bưu chính sở hữu sàn nhằm mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số.
Tổ công tác 1034 đề xuất mục tiêu trong thời gian tới, 100% hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí được đưa lên các sàn thương mại điện tử, 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao được đưa lên sàn. Ngoài ra, 100% hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Sở TT&TT Thái Nguyên kiến nghị, Vietnam Post và Viettel Post đầu tư phát triển dịch vụ Logistics trên địa bàn tỉnh, chính sách giao hàng nhanh/phù hợp cho các đơn hàng trên địa bàn, chia sẻ, cung cấp thông tin tiêu thụ sản phẩm nông sản trên cả nước.
Bảo An