Thị trường trong nước, đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/8, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 56,15 – 57,70 triệu đồng/lượng. So với mở cửa phiên giao dịch ngày 13/8, giá vàng tại DOJI giữ nguyên ở cả 2 chiều chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua – bán vàng tại DOJI đang ở mức 1,55 triệu đồng/lượng.
Còn tại PNJ, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ở cả 4 khu vực TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hà Nội ở mức giá 56.50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.20 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng miếng PNJ ở 4 khu vực được niêm yết ở mức 51.10 - 52.50 triệu đồng/lượng ở 2 chiều mua và bán.
Để khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh vàng có điều kiện đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là trong thời kỳ dịch COVID-19, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục giữ nguyên mức thuế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ bằng 0%.
Theo VGTA, nếu áp dụng theo mức thuế 2% như dự thảo, các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ không thể thực hiện xuất khẩu được các mặt hàng này.
Do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong bối cảnh giá vàng nguyên liệu trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế từ 6-8 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh vàng nước ngoài.
Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore… đang có nhiều lợi thế cạnh tranh như: thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu bằng 0%; thuế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ cũng bằng 0% và còn được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Chưa kể, chi phí nhân công ở các nước này rẻ hơn, thiết bị công nghệ hiện đại hơn…
Trên thị trường thế giới, 6h sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang giao dịch ở ngưỡng 1.779 USD/ounce, tăng 25 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Giá vàng hôm nay tăng bật vì lo ngại về số ca mắc COVID-19 gia tăng và đồng USD suy yếu.
Sự gián đoạn đang diễn ra do COVID-19 có thể khiến các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục cung cấp biện pháp kích thích, yếu tố thúc đẩy lạm phát và vàng tăng trong dài hạn.
Các thị trường châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần, vì áp lực từ số ca mắc biến thể Delta gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực, theo Reuters.
Trong khi đó, đồng USD giảm trở lại cũng hỗ trợ thêm cho kim loại quý. Đồng USD yếu giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác, theo đó làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý.