Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS- Bộ Công Thương) cho biết, các hình thức gian lận phổ biến trong TMĐT bao gồm gian lận thanh toán, gửi hàng không đúng mô tả, và sử dụng thông tin giả mạo để mua hàng.
Hiện cả nước có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thu ngân sách là 19.774 tỷ đồng.
Tính riêng số thu khai trực tiếp qua cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó có những sàn thương mại điện tử lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple...
Bên cạnh đó, 11 tháng của năm 2024, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo về xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2025 của AppotaPay, mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam hiện nay có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử từ 35-45% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.
Đặc biệt, các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop, với TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng 15% thị phần thương mại điện tử trong năm 2024. Trong đó, 25% người tiêu dùng mua sắm online để dự trữ hàng hóa, và 21% mua ngay lập tức. Điều này minh chứng thương mại điện tử đang dần thúc đẩy sự phát triển của mô hình mua sắm đa kênh.
Theo dự báo của Tổng cục Quản lý thị trường, trong khoảng 2 đến 3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm khoảng 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Đây là một con số đáng lo ngại, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề gian lận trên thị trường TMĐT tại Việt Nam.
Trước thực trạng đáng lo ngại nói trên, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng cường kiểm soát bảo mật trong giao dịch TMĐT là điều cấp thiết. Trong đó, việc sử dụng công nghệ, cụ thể là ứng dụng AI có thể phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, cũng như giúp bảo mật thông tin người dùng trong giao dịch TMĐT nhờ những khả năng mạnh mẽ.
Theo đó, công nghệ đang chứng tỏ là một trong những công cụ hữu hiệu nhất trong việc đối phó với gian lận. Sự kết hợp giữa AI và machine learning đã cho phép các nền tảng phát hiện các hoạt động bất thường một cách nhanh chóng. Thông qua phân tích dữ liệu giao dịch, đồng thời theo dõi hành vi mua bán, các điều bất thường được đều tra và ngăn chặn kịp thời. Chẳng hạn, việc áp dụng công nghệ xác minh danh tính người bán và kiểm tra chất lượng sản phẩm đã trở thành một tiêu chuẩn quan trọng.
Một trong những đối tượng chính cần được quan tâm là người bán. Quy trình duyệt danh tính người bán càng nghiêm ngặt bao nhiêu, nguy cơ gian lận càng giảm bấy nhiêu. Việc yêu cầu cung cấp thông tin danh tính chính xác, giấy phép kinh doanh đối với những danh mục hàng hóa đặc thù như dược phẩm hay thực phẩm chức năng, sẽ tăng tính minh bạch và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để người tiêu dùng thật sự trở thành những người mua hàng thông minh, việc giáo dục và tuyên truyền rất cần thiết. Cung cấp kiến thức về cách nhận biết sản phẩm giả, hiểu rõ các quyền lợi khi mua sắm trực tuyến, sẽ giúp người tiêu dùng hạn chế nguy cơ rủi ro. Ngoài ra, việc thông tin hành vi mua bán đáng ngờ cũng cần được chia sẻ rõ ràng để bảo vệ nhóm người dùng khác.
Cuối cùng, vai trò của cơ quan quản lý vô cùng quan trọng. Chính phủ cần thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ, tăng cường các quy định đối với gian lận và đặt ra các chế tài phát nghiêm khắc. Thông qua việc kiểm tra định kỳ hoạt động của các nền tảng, các hành vi gian lận có thể bị đẩy lùi hiệu quả.
Tiến Hoàng