Great - Kết nối phụ nữ với thị trường

Hội nghị quốc gia và Lễ tổng kết Great giai đoạn 1 do dự án Great tổ chức vào sáng 27/5/2022, với chủ đề "Kết nối phụ nữ với thị trường - Nhân rộng mô hình thành công từ cấp tỉnh lên cấp quốc gia".

Với những nỗ lực thay đổi hướng tới bình đẳng giới, mặc dù chịu tác động từ dịch COVID-19, song thực tế đã chứng minh Dự án vẫn tạo ra những thay đổi tích cực trong đời sống của phụ nữ. Đến nay, Dự án đã giúp 8.124 phụ nữ tăng thu nhập và tạo thêm 834 việc làm mới cho phụ nữ. Không chỉ giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao đời sống kinh tế, mà thông qua các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới được lồng ghép, Dự án còn giúp chị em tăng cường sự tự tin, kỹ năng lãnh đạo và khả năng ra quyết định của phụ nữ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án GREAT tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án GREAT tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo dự án GREAT tỉnh Lào Cai cho biết: Dự án GREAT đã được thực hiện thông qua hơn 70 tiểu dự án được ký kết với các đối tác thuộc các thành phần khác nhau như: Khu vực kinh tế Nhà nước, tư nhân, các tổ chức NGO và doanh nghiệp FDI... Kết quả sau hơn 4 năm thực hiện các hoạt động can thiệp của dự án tại hai tỉnh, đã có 15.257 phụ nữ được tăng thu nhập, 86% số chị em phụ nữ tham gia dự án tự tin về năng lực kỹ thuật trong sản xuất và cung cấp dịch vụ du lịch, 97% số chị em phụ nữ chia sẻ là họ tham gia vào những quyết lớn trong gia đình, chiếm vai trò quan trọng đặc biệt là trong lĩnh vực tiếp cận ra quyết định tài chính, lãnh đạo, tham gia tổ nhóm sản xuất, kinh doanh.
Tại sự kiện, đội ngũ thực hiện dự án GREAT và đại diện Chính phủ Việt Nam đã thảo luận về các bằng chứng và bài học kinh nghiệm từ dự án có thể giúp cung cấp thông tin cho việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) của Việt Nam. Các CTMTQG và GREAT đều mong muốn tạo ra các cơ hội kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn ở khu vực Tây Bắc của Việt Nam, đặc biệt là cho các cộng đồng dân tộc sinh sống trong khu vực.

Ông Lê Hồng Phong, Ban Quản lý dự án tỉnh Lào Cai thông tin, trong 5 năm phối hợp thực hiện dự án GREAT, ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng về những cách tiếp cận hiệu quả và những điểm cần cải thiện, đặc biệt là trong bối cảnh hai tỉnh tham gia dự án. Hiện, Lào Cai cũng đang tiếp tục nỗ lực để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực này vì điều này có lợi cho phụ nữ và gia đình của họ, cho công việc kinh doanh và cho cả nền kinh tế đồng thời mong muốn áp dụng các bài học từ dự án GREAT vào việc thực hiện các CTMTQG.

Đồng quan điểm của ông Phong, ông Nguyễn Thanh Hải – Ban Quan Lý dự án tỉnh Sơn La chia sẻ những bài học liên quan đến cải thiện ngành nông nghiệp và du lịch trong khi nỗ lực để thúc đẩy nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam ghi nhận những thành công và nỗ lực mà GREAT và các đối tác đã đạt được
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam ghi nhận những thành công và nỗ lực mà GREAT và các đối tác đã đạt được

Cũng tại sự kiện, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam ghi nhận những thành công và nỗ lực mà GREAT và các đối tác đã đạt được. Theo bà, thành công này thuộc về tất cả các đối tác của GREAT, bao gồm chính quyền tỉnh Sơn La và Lào Cai, các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng người dân tại địa phương.
Đại sứ Mudie cho biết: “Ngày hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau nhìn về phía trước với tham vọng nâng tầm thành công này lên quy mô lớn hơn, để chúng ta có thể mang lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp hơn thông qua tăng cường kết nối thị trường, và quan trọng nhất là nâng cao quyền năng để giúp nhiều phụ nữ tham gia vào nền kinh tế.”
Theo bà Trần Thị Hồng – Giám đốc HTX Nông nghiệp Suối Bàng tỉnh Sơn La cho biết: Sau khi được GREAT hỗ trợ dự án về kho lạnh, và áp dụng những kiến thức, kỹ năng từ khóa đào tạo kỹ năng lãnh đạo đã giúp tôi xây dựng được chiến lược phát triển cho sản phẩm của mình, cụ thể áp dụng phát triển các cây chủ lực như: Cam, Bơ qua đó tăng năng suất sản phẩm, tạo được việc làm cho các hộ thành viên trong HTX từ 5 triệu lên gần 6 triệu đồng/hộ.
Bà Lý Tả Mẩy – Giám đốc HTX du lịch Tà Phìn – tỉnh Lào Cai: Sau khi thành lập HTX thì không còn cạnh tranh về chất lượng, giá cả bên cạnh đó chúng tôi còn giúp được bà con đưa được những chất lượng dịch vụ tốt nhất đến với khách hàng.
Chị Vòng Thị Thông, Thôn đội 3, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, Lào Cai: Sau khi được tiếp cận với dự án Great, chúng tôi bắt đầu có kiến thức về làm du lịch cộng đồng, biết giao tiếp, tiếp đón khách, nấu ăn hay sắp xếp đồ đạc trong gia đình. Từ đó chúng tôi bắt đầu đón những vị khách đặc biệt đến với thôn, bản.
Tại hội nghị những chủ đề được quan tâm như: Tiếp cận tài chính, chuyển đổi kỹ thuật số, Đào tạo kỹ năng định hướng thị trường. Nâng cao kỹ năng lãnh đạo được quan tâm thảo luận.

Những người phụ nữ dân tộc Dao tham gia dự án GREAT nhằm hướng tới sự phát triển kinh tế và bình đẳng giới
Những người phụ nữ dân tộc Dao tham gia dự án GREAT nhằm hướng tới sự phát triển kinh tế và bình đẳng giới
Dự án GREAT là chương trình về giới quan trọng nhất của Australia thực hiện tại Việt Nam, với tổng trị giá 33,7 triệu đô la Úc. Dự án hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nhà nước và các đối tác xã hội dân sự để xây dựng hệ thống thị trường và kinh doanh bao trùm hơn trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch ở hai tỉnh Sơn La và Lào Cai. Dự án cũng nỗ lực để đảm bảo phụ nữ địa phương và người dân tộc thiểu số tích cực tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động tăng trưởng kinh tế có liên quan.

Hoàng Nhung