Hà Nội: Nỗ lực bảo vệ, phát triển rừng trước sự biến đổi khí hậu

Với những nỗ lực trong phát triển rừng, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống cây trồng và tích cực trồng cây, gây rừng, Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững của TP. Hà Nội đã đạt nhiều chỉ tiêu đề ra.

Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội được Sở NN&PTNT TP. Hà Giang giao khoán hoạt động bảo vệ rừng là hơn 5.160ha ở huyện Mỹ Đức (hơn 3.416ha rừng đặc dụng và đất lâm nghiệp) và huyện Sóc Sơn (hơn 1.744ha rừng phòng hộ, đất lâm nghiệp và đất khác). Căn cứ công việc được giao, Ban Quản lý đã ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với 210 hộ và cá nhân trên địa bàn rừng phòng hộ huyện Sóc Sơn với diện tích hơn 1.744ha và 142 hộ và cá nhân trên địa bàn rừng đặc dụng huyện Mỹ Đức với diện tích hơn 3.416ha. Nhìn chung, công tác bảo vệ rừng được thực hiện tốt.

Trong tháng 2/2020, Ban tiếp tục thực hiện các hạng mục kỹ thuật lâm sinh, nhiệm vụ thường xuyên, như: Xây dựng kế hoạch hạ cấp vật liệu cháy 30ha rừng; xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm; lập phương án sử dụng đất rừng đặc dụng Hương Sơn…

Cùng với đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội tập trung cho công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, qua đó, phát hiện và dập tắt kịp thời một vụ cháy rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn; phát hiện một vụ tự ý xây dựng công trình trên đất rừng đặc dụng Hương Sơn…

Trong tháng 3/2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội tiếp tục chỉ đạo giám sát kỹ thuật các nghiệp vụ trồng, chăm sóc rừng, vườn thực vật trên các diện tích đang triển khai theo quy trình kỹ thuật và kế hoạch; tập trung tuyên truyền Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Phòng cháy và chữa cháy, các nghị định liên quan đến công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng…

Theo đó, duy trì và gia tăng độ che phủ rừng có vai trò quan trọng trong cải thiện chất lượng không khí, giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là trước diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu.

Đạt và vượt nhiều mục tiêu

Theo Sở NN&PTNT TP. Hà Nội, toàn thành phố có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng hơn 27.159ha. Với những nỗ lực trong phát triển rừng, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống cây trồng và tích cực trồng cây, gây rừng, Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững của Hà Nội đã đạt nhiều chỉ tiêu đề ra. Chẳng hạn như năm 2018, trên địa bàn thành phố đã trồng 41,25ha rừng, trong đó, rừng phòng hộ 20,75ha, rừng sản xuất 20,5ha; chăm sóc hơn 2.078ha rừng phòng hộ. Năm 2018, đã giao khoán cho tổ chức, cá nhân quản lý cho khoảng 6.400ha rừng phòng hộ, đặc dụng (chiếm khoảng 72% diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng). Các diện tích được giao khoán quản lý bảo vệ cơ bản ổn định, cây rừng sinh trưởng phát triển tốt, phát huy được khả năng phòng hộ bảo vệ môi trường và cảnh quan của khu vực.

Một góc rừng phòng hộ ở Hà Nội
Một góc rừng phòng hộ ở Hà Nội

Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, là cánh tay nối dài của UBND thành phố trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Sở NN&PTNT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp PCCC rừng trên địa bàn thành phố.

Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, theo hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục đã tăng cường kiểm tra đôn đốc các chủ rừng và chính quyền cơ sở triển khai thực hiện phương án quản lý bảo vệ rừng và PCCC rừng theo các quy định. Triển khai tốt và có hiệu quả công tác tổ chức dự báo, cảnh báo cháy rừng. Bố trí kiểm lâm địa bàn thường trực quan sát phát hiện sớm cháy rừng tại các chòi quan sát lửa rừng. Tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra những vùng trọng điểm hay xảy ra cháy rừng chú trọng những nơi có số người ra vào rừng đông, tại các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch tâm linh để kiểm soát nguồn lửa sử dụng trái phép tránh cháy lan vào rừng… Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng đã chỉ đạo sát sao, kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng tổ chức thực hiện các phương án quản lý bảo vệ rừng và PCCC rừng, chủ động xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy ở khu rừng dễ cháy đặc biệt rừng trồng thông tập trung trên địa bàn thành phố; trung bình mỗi năm hạ cấp vật liệu cháy từ 100 - 120ha rừng phục vụ công tác PCCC rừng.

Hướng tới phát triển bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn thành phố vẫn còn một số khó khăn cần được tập trung tháo gỡ, khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới. Đó là vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép. Đơn cử, thực hiện thi pháp luật, năm 2018, cơ quan chức năng thành phố đã kiểm tra xử lý 100 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, xử lý tịch thu gần 62m3 gỗ; tổng số tiền thu từ xử lý vi phạm hành chính là hơn 2 tỷ đồng.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn thành phố, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã tham mưu với Sở NN&PTNT báo cáo UBND thành phố cho phép Chi cục triển khai một số nhiệm vụ trong năm 2020. Cụ thể, rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; dự án đầu tư xây dụng phát triển hạ tầng trong lâm nghiệp, gồm đường lâm nghiệp, hồ chứa nước, đường ranh cản lửa...) phục vụ công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng; dự án mua sắm trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng phục vụ công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng và triển khai Đề án bảo tồn, phát triển các loài động thực vật có nguồn gen quý hiếm trên địa bàn thành phố.

Song hành với việc đẩy mạnh bảo vệ diện tích rừng hiện có, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, UBND thành phố cũng vừa phát động phong trào thi đua đặc biệt phát triển lâm nghiệp bền vững để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố. Theo đó, toàn thành phố tập trung cho nhiệm vụ bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có, phấn đấu đến năm 2020 độ che phủ rừng đạt 6,2%; bảo đảm diện tích hệ sinh thái rừng được phục hồi và bảo tồn, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; trồng mới 400ha; khoanh nuôi tái sinh rừng 3.421 ha/năm; trồng cây phân tán là 800.000 cây. Ngoài ra, thành phố huy động nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp; tiếp tục rà soát lại quỹ đất lâm nghiệp để giao đất, giao rừng hiệu quả; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, duy trì hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học của rừng…

Trong những ngày nắng nóng gần đây, nguy cơ xảy ra cháy rừng tại các huyện ngoại thành Hà Nội là rất cao. Trước tình hình này, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã có rừng chỉ đạo các phòng, ban đơn vị trực thuộc nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC. Đặc biệt chủ động kiểm tra, rà soát, đánh giá phương tiện trang thiết bị PCCC rừng đảm bảo hoạt động tốt khi chữa cháy; phân công, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, hiệp đồng bố trí lực lượng trực PCCC rừng, sẵn sàng huy động ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đồng thời thường xuyên tuần tra các khu rừng, đặc biệt các khu rừng hay xảy ra cháy rừng, khu rừng có lượng người ra vào lớn, kiểm soát, quản lý nguồn lửa để không xảy ra cháy rừng. Chỉ đạo Tổ đội xung kích bảo vệ rừng và PCCC rừng chủ động, sẵn sàng trong thực hiện chữa cháy kịp thời không để xảy ra cháy lớn. Bố trí, bảo dưỡng các trang thiết bị chữa cháy rừng đảm bảo hoạt động hiệu quả để kịp thời ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.

Thanh Hà