Theo kế hoạch, từ 7/9 đến hết ngày 6/10, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai nhiều hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn Thành phố năm 2020.
Đáng chú ý, ngoài đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, các đơn vị chức năng thuộc Sở tiến hành thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: bánh Trung thu, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương.
Trường hợp cơ sở tiến hành hoạt động kinh doanh thực phẩm qua hình thức thương mại điện tử thì hoạt động thanh tra, kiểm tra bao gồm cả nội dung hoạt động thương mại điện tử theo quy định. Sở Công Thương cũng sẽ thực hiện kiểm tra đột xuất khi có thông tin do các cơ quan thông tấn báo chí, người dân phản ánh về việc không bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.
Để làm tốt nhiệm vụ trên, Sở Công Thương yêu cầu các đơn vị trong công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng, điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm phục vụ Tết Trung thu. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các kiến thức, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng.
Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cũng đã yêu cầu lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần xây dựng kế hoạch chuyên đề kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu. Quá trình xây dựng kế hoạch cần trao đổi thông tin và chủ động phối hợp với Sở Công Thương và các ngành có liên quan để tránh việc kiểm tra chồng chéo, trùng lắp.
Tổng Cục QLTT nhấn mạnh, trước Tết Trung thu yêu cầu các địa phương cần kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh trung thu như nhân bánh, mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, nước đường, trứng muối... để kịp thời ngăn chặn hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng ATTP trên địa bàn được phân công quản lý.
Đặc biệt, Tổng Cục QLTT lưu ý, các tỉnh cần tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm không thuộc địa bàn quản lý thì chủ động phối hợp xử lý hoặc báo cáo để kịp thời tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý triệt để.
Cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực biên giới và các tỉnh thành phố dọc theo tuyến vận chuyến từ biên giới vào nội địa có phương án kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý vi phạm về vận chuyển, kinh doanh các loại nhân bánh làm sẵn, bánh trung thu giá rẻ, bánh nghi ngờ có nguồn gốc từ nước ngoài nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Không ngừng tăng cường quản lý địa bàn, lập danh sách các cơ sở sản xuất bánh trung thu và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra điều kiện chung về an toàn thực phẩm như điều kiện vệ sinh cơ sơ sản xuất, nhà xưởng, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, đặc biệt là các cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất.
Trong dịp Tết Trung thu, tăng cường công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh trung thu lưu thông trên thị trường. Chú ý kiểm tra các loại bánh trung thu sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh trung thu tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Phối hợp với các cơ quan trên địa bàn kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bày bán bánh trung thu về hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, việc thực hiện các quy định về ghi nhãn, niêm yết giá, quảng cáo, khuyến mại và chấp hành các quy định về điều kiện bảo quản, điều kiện vệ sinh cơ sơ, trang thiết bị, dụng cụ.
Sau dịp Tết Trung thu cần chú ý kiểm soát việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng được bán giảm giá, khuyến mại hoặc tái sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm khác gây mất an toàn trong quá trình sử dụng. Nếu phát hiện vi phạm thì kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan để truy xuất nguồn gốc, đình chỉ lưu thông sản phẩm góp phần bảo đảm quyền lợi và an toàn sức khẻe cho người tiêu dùng.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, Cục QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, xác định 3.829 vụ vi phạm; trong đó, đã xử lý 3.645 vụ với tổng số tiền hơn 98 tỷ đồng (phạt hành chính 34 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu 16,9 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy, tái chế 46,9 tỷ đồng). Các hàng hóa vi phạm tập trung vào hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, mặt hàng nguyên liệu sản xuất thực phẩm (phụ gia thực phẩm, nguyên liệu sản xuất trà sữa)...
Riêng kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm liên quan đến bánh trung thu, từ đầu tháng 8/2020, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 6 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực này, phạt hành chính trên 58 triệu đồng; tạm giữ, xử lý hơn 31.000 sản phẩm bánh trung thu các loại.
Hồng Anh