Hà Tĩnh: Tổ chức Đại lễ Giổ Tổ Hùng Vương

Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm 2025 đã được tổ chức trang trọng và thành kính tại Hà Tĩnh, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng, những người có công dựng nước và giữ nước, đồng thời là một nét đẹp văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây.

Hà Tĩnh long trọng tổ chức Đại Lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương năm 2025.
Hà Tĩnh long trọng tổ chức Đại Lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương năm 2025.

Sáng ngày 7/4 (tức 10/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cùng UBND TX Hồng Lĩnh đã long trọng tổ chức Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm 2025.

Buổi lễ được tổ chức trang trọng và thành kính
Buổi lễ được tổ chức trang trọng và thành kính

Từ thuở khai thiên lập địa, 18 đời Hùng Vương đã nối tiếp sự nghiệp của các bậc tiền nhân, hợp nhất các bộ lạc để đấu tranh với thiên tai, giặc giã, mở mang bờ cõi, dựng nên nhà nước Văn Lang - Âu Lạc xưa. Trong hành trình lịch sử kéo dài hàng ngàn năm, Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) tự hào là nơi gắn liền với huyền sử của Thủy tổ Kinh Dương Vương, người đã chọn vùng đất trên dãy Hồng Lĩnh để định đô và xây dựng cơ nghiệp cho con cháu nước Việt.

Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại đất Phượng Hoàng” chào mừng đại lễ được dàn dựng công phu, tái hiện truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của các Vua Hùng. Chương trình cũng khắc họa hình ảnh Hồng Lĩnh – nơi gắn liền với truyền thuyết chim Phượng Hoàng, núi Hồng từ thuở khai sơn, lập địa và dựng đô Ngàn Hống.

Các đại biểu dâng hương để tưởng nhớ đến công ơn của các Vua Hùng
Các đại biểu dâng hương để tưởng nhớ đến công ơn của các Vua Hùng

Trong diễn văn khai mạc, Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Viết Trường đã khẳng định: “Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương không chỉ là hoạt động văn hóa tâm linh, cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dân cường nước thịnh, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, đại lễ cũng nhắc nhở mọi người yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, vun đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, và khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: 'Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.'”

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền qua các thế hệ, trở thành bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt Nam và đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại Hà Tĩnh, Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương hàng năm luôn được tổ chức trang nghiêm, thành kính, là một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây.

Trong chuỗi hoạt động Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, diễn ra hội thi “Gói và nấu bánh chưng, bánh dày dâng Quốc Tổ”
Trong chuỗi hoạt động Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, diễn ra hội thi “Gói và nấu bánh chưng, bánh dày dâng Quốc Tổ”

Giám đốc Sở VH-TT&DL cũng nhấn mạnh rằng Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng, thuộc phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh, là di tích duy nhất tại Hà Tĩnh thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, TX Hồng Lĩnh đã nỗ lực tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, biến khu di tích trở thành điểm đến văn hóa tâm linh quan trọng trong chuỗi di tích danh thắng Núi Hồng – Thiên Tượng.

Phụ nữ Hà Tĩnh thi gói bánh chưng, bánh giầy dâng Giỗ Tổ Hùng Vương.
Phụ nữ Hà Tĩnh thi gói bánh chưng, bánh giầy dâng Giỗ Tổ Hùng Vương.

Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng ngày càng thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến dâng hương, chiêm bái. Đây cũng trở thành điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình khám phá vẻ đẹp của vùng đất Núi Hồng – Sông La, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế và văn hóa - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.

Hoài Thanh