Đơn cử tại CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, tính đến hết ngày 30/6, tổng tài sản của Phát Đạt tăng 20% so với đầu năm lên hơn 18.717 tỉ đồng. Hơn 64% tài sản của doanh nghiệp tập trung ở hàng tồn kho với hơn 12.000 tỉ đồng, chủ yếu là giá trị quỹ đất đã bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp và một số chi phí đầu tư khác.
Một trong những cái tên đáng chú ý trong danh sách doanh nghiệp có giá trị tồn kho cao và có xu hướng tăng lên là Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (MCK: NLG). Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 của doanh nghiệp cho thấy tính hàng tồn kho là hơn 14.000 tỉ đồng, gấp 2,3 lần so với cuối năm 2020. Lượng tồn kho của Nam Long chủ yếu đến từ các dự án đang trong giai đoạn dở dang và chủ yếu bao gồm các căn hộ, nhà phố và biệt thự đang xây dựng để bán và đất chờ bán. Trong đó, chiếm lớn nhất là sự xuất hiện của dự án Đồng Nai Waterfront với 7.195 tỉ đồng.
Một công ty khác cũng có lượng hàng tồn kho cao là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (MCK: AGG). Báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố của An Gia cho thấy, giá trị hàng tồn kho tính đến cuối quý 2 là 7.031 tỉ đồng, tăng 22% so với thời điểm cuối năm 2020.
Hàng tồn kho của An Gia chủ yếu ở khoản bất động sản dở dang. Trong đó, dự án The Sóng với 3.007 tỷ đồng, dự án The Westgate với 1.451 tỷ đồng, dự án The Standard với 1.046 tỷ đồng, dự án River Panorama 1, Panorama 2, dự án Sky 89, dự án Signial… Các dự án này đang được An Gia dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản trái phiếu đã phát hành.
Một trong những doanh nghiệp có mức tăng giá trị mục hàng tồn kho rất lớn không thể không kể đến đó là Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ - CenLand (mã chứng khoán: CRE).
Cụ thể, giá trị hàng tồn kho tại CenLand tính đến hết tháng 6 năm nay là 1.291 tỷ đồng, tăng hơn 40 lần so với đầu năm.
Trong đó, chiếm phần lớn là hàng hóa bất động sản với 1.285 tỷ đồng. Danh mục này bao gồm các căn hộ, đất nền công ty mua từ chủ đầu tư để thực hiện kinh doanh bán lại. Còn lại là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chỉ chiếm hơn 5,2 tỷ đồng.
Hàng tồn kho tăng mạnh có đáng lo?
Các chuyên gia cho biết, cơ cấu hàng tồn kho bất động sản bao gồm hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông, hàng tồn kho do doanh nghiệp chủ động tiến độ đưa hàng ra thị trường; hàng tồn kho do chưa tiêu thụ được vì vướng mắc về pháp lý.
Trong đó, hàng tồn kho theo kế hoạch của doanh nghiệp và hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông là điều bình thường. Nhưng hàng tồn kho đã đưa ra thị trường nhưng chưa tiêu thụ được, vì có liên quan đến tính thanh khoản của doanh nghiệp và quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại trong vấn đề nợ xấu và an toàn tín dụng là rất đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, nếu hàng tồn kho là những bất động sản dở dang từ những dự án vướng pháp lý chưa thể triển khai cũng gây sức ép lớn cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, thực tế những số liệu tồn kho của doanh nghiệp niêm yết chưa phản ánh được hết con số thực của hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản trên cả nước. Bởi trên thị trường còn nhiều doanh nghiệp khác chưa niêm yết…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm cũng sẽ làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay và áp lực của doanh nghiệp ngày càng lớn…
Lượng hàng tồn kho lớn không bán được, không thể chuyển thành tiền cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn bởi một lượng vốn lớn đang “nằm chết” tại những dự án này.