Hiệp hội Chè Việt Nam: Bài dự thi "Trà phùng tri kỉ ấm..."

Nhân dịp kỷ niệm ngày Chè Thế giới 21/5, Hiệp hội Chè Việt Nam phát động chương trình online "vì Ngày Chè thế giới". Đây là một cuộc thi nhằm lan tỏa tinh thần uống trà trong cộng đồng, nâng cao vị thế của cây chè tại Việt Nam và là một dịp để người làm trà, người yêu trà và người uống trà khắp nơi giao lưu và chia sẻ. Hưởng ứng cuộc phát động, xin giới thiệu bài dự thi của chị Nguyễn Thị Hương. 

Từ ngày làm dâu xứ Nghệ, trừ có 2 năm, một là do sinh Kem, hai là do Kem ốm, năm nào tôi cũng về quê chồng ăn Tết. Vậy mà đã 16 năm trời. Trong những ngày bận rộn với lễ lạt, bếp núc, có một công việc mà tôi luôn thích tự mình làm, cảm nhận như đang thực hiện một nghi lễ là quét nhà, sân vườn, sau đó đi hãm một ấm trà xanh.

Buổi sáng ở quê mọi người thường dậy rất sớm. Hồi mới làm dâu, khi ông bà nội của Cún Kem còn trẻ, khỏe hơn, ông bà thường dậy sớm khi trời còn tờ mờ sáng. Ban đầu tôi cũng miễn cưỡng dậy theo vì không thể để bà quét nhà, pha trà và chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà được. Dần dần tôi thấy việc dậy sớm thật tuyệt vời vì chỉ có buổi sáng sớm ta mới có cơ hội hít hà hơi sương còn ủ trong men đất. Không khí trong lành, nguyên sơ. Ban mai đúng thật là tinh khiết khi những ngọn dừa bên bờ ao vẫn còn lưu giữ làn khói trời mong manh trước khi bị những tia nắng mặt trời nhẹ nhàng lấy đi.

Những năm gần đây, ông bà dậy muộn nên tôi cũng dậy muộn theo nhưng vẫn còn rất sớm so với cuộc sống ở thành phố. Tầm 6 giờ, tôi chui ra khỏi chăn. Việc đầu tiên cần làm là cầm chổi quét nhà. Nhà ông bà nội rộng lắm và xây theo lối xưa gồm cổng có lối vào hình chữ L, dẫn đến sân gạch Bát (Tràng). Hai dẫy nhà, mỗi dẫy gồm 3 gian bao lấy sân gạch. Nhà chính nhìn hướng Nam mát mẻ và cũng nhìn ra cái ao, sân giếng của làng ngay cạnh khoảnh đất của ông bà. Tôi thường quét từ nhà trên xuống sân, rồi xuống nhà dưới để quét, sau đó mới quét sân, rồi ra cổng.

Trong lúc đưa từng nhát chổi, tôi lắng nghe tiếng ông bà, các bác vừa vệ sinh mặt mũi, tập thể dục vừa trò chuyện, những câu chuyện về nhà ông A, nhà bà B trong làng giờ thế nào. Những tiếng trò chuyện lẫn với tiếng nước giếng đổ từ gầu xuống chậu hay tiếng xúc miệng lục sục trong tiết trời lành lạnh, đôi khi có vào hạt mưa xuân bay bay hay những giọt sương nặng hạt rơi từ cành hoa hồng nhung bên bờ giếng sao mà đầy thương mến. Tôi cứ chăm chỉ đưa chổi vào từng góc nhà, góc sân, không cần phải vội vàng vì đã có 1-2 chị dâu lo chuyện bếp núc.

Việc quét sân giống như việc hành thiền. Tôi chăm chú nhìn vào những mảnh sân sạch sẽ vừa được quét cảm thấy như tâm hồn mình cũng trở nên thanh bạch lạ kì. Đôi khi trong lúc quét, tôi cảm thấy mình được quay trở lại thành cô bé tầm 10-11 tuổi đang quét con đường đất vương đầy lá dẫn vào nhà bà ngoại trên Quán Giò. Hồi đó, cũng là một buổi sáng se lạnh. Tôi lên nhà ông bà ngoại, ngủ lại với bà và dì Hà (hồi dì chưa lấy chồng) trong căn nhà cấp bốn lúc nào cũng ẩm mùi đất và sẫm tối của ông bà. Buổi sáng khi bà và dì chuẩn bị đồ ăn cho ông ngoại (bà luôn cung kính ông và chuẩn bị các món ăn dù cực kì giản dị nhưng với một vẻ vô cùng nghiêm cẩn mà con bé cảm nhận được), tôi cầm chổi đi quét lá dọc lối vào dài có hàng trà mạn. Một con bé 10 tuổi nhưng đã cảm nhận được sự bình yên tuyệt đối trong từng nhát chổi khua. Có vẻ như giờ đây tôi vẫn còn bản năng cảm nhận được sự giản dị, thanh tịnh trong những công việc hàng ngày như cô bé 10 tuổi ngày xưa. Tôi nghĩ đó là sự may mắn. Nếu sau này tôi không còn vướng bận gì thì tôi vẫn mong muốn hàng ngày được cầm chổi quét những mảnh sân rộng, vương đầy lá khô như Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn trong Tàng Kinh Các (haha).

Công việc thứ hai mà tôi yêu thích là việc đi hãm một ấm tích trà xanh. Ngày xưa khi tôi còn bé, khi ông bà nội còn sống và vẫn ở vùng quê đi qua phà Vạn trên dòng sông Chu 4 km nữa, ngày nào ông bà cũng có một ấm tích nước trà xanh ủ trong giỏ mây và uống nước trà bằng những chiếc bát chiết yêu gốm mộc thường úp mặt xuống chiếc bàn lim giữa gian nhà 3 gian, 1 buồng và 1 chái bếp, có liếp cửa bằng tre do ông nội đan. Ôi nhớ sao mà nhớ cái khung cửa bằng ván gỗ mộc mạc nhỏ nhỏ với những song cửa bằng gỗ, mà mỗi buổi sáng tôi đều gỡ cái móc sắt ra là đẩy toang cửa sổ ra cho hương chanh ùa vào ngào ngạt. Được hít hà hương hoa chanh, ngắm cái màu hoa trắng tinh mặt cánh trong và màu hồng tím mặt cánh ngoài trong khi suýt xoa bát nước chè xanh (ở quê tôi trà hay chè thì đều là một nhưng Nghệ An thì khác đấy nhé) nóng hổi thì không gì thú bằng. Đấy là bây giờ tôi nghĩ thế thôi, chứ hồi bé tôi đã biết chè xanh ngon đến vậy đâu. Kí ức tuổi thơ giống như một người bạn cũ thuỷ chung cứ đi theo ta mãi, góp phần định hình ta bây giờ.

Ở Nghệ An hay bất cứ vùng quê nào từ Nghệ An đổ ra Kinh Bắc, rất dễ dàng mua những bó trà tươi về để làm nước uống. Trà đã được sử dụng từ hơn 3.000 năm nay trên đất nước này, khi chưa có trà đạo của Nhật Bản hay các loại trà bánh của Trung Hoa. Mỗi khi tôi về Nghệ An là đã thấy sẵn bó trà tươi dựng góc sân hoặc góc giếng rồi. Mấy năm nay ông nội Cún Kem đã trồng được mấy gốc trà quanh vườn, đủ để hái uống hàng ngày. Trà phải xanh mướt, nguyên cành, không sâu hay xoăn lá, lá dày dặn và giòn thì mới ngon.

Hiệp hội Chè Việt Nam: Bài dự thi "Trà phùng tri kỉ ấm..." - Ảnh 1

Tôi tháo lạt, lấy một nắm cành vừa tay, bỏ vào chậu to để rửa và không quên buộc lại bó trà, dựng vào chỗ cũ. Những cành trà lấp lánh màu xanh của lá bánh tẻ, trông mướt bóng như màu cánh của con cánh cam. Những bông hoa trà trắng muốt và thơm nhẹ nhàng luôn là món quà đáng yêu cho trẻ con thức dậy muộn chơi. Nhưng phải cẩn thận vì cánh hoa mỏng manh rất dễ bị dập. Tôi thả gầu múc nước giếng lên đổ đầy chậu nước. Nước giếng lạnh mát. Thời tiết ở quê vào những ngày này thường ấm lên nên được ngồi tỉ mẩn rửa lá trà khiến tôi thích thú. Sau khi súc rửa tích nước bằng sứ, tôi tuốt những lá trà để riêng. Thân trà già tôi bỏ bớt, chỉ giữ lại khoảng 20 phân ngọn, bẻ ngắn từng khúc khoảng 5cm, cho vào ấm. Tôi tiếp tục vò lá trà từng nắm, từng nắm một cho đến hết rổ lá. Mùi trà hăng hăng, thơm mát thật dễ chịu.

Hiệp hội Chè Việt Nam: Bài dự thi "Trà phùng tri kỉ ấm..." - Ảnh 2

Ở Nghệ An người ta thường cho chút muối vào ấm cùng lá trà đã vò để tráng trà nhưng tôi sợ sau khi tráng vẫn còn dư vị mằn mặn sẽ làm hỏng vị trà tôi đã quen thuộc nên không làm theo. Nước dùng để tráng trà cũng như hãm trà phải sôi đủ 100 độ và dùng ngay. Sau khi vò trà cho vào ấm, tôi đổ nước sôi vào chừng 1/3 ấm, dùng tay xóc ấm và rót đổ nước ra, đủ cho lá chè tái và chất chát hay những tạp chất còn dính trên cành, lá trà sẽ theo ra hết. Sau đó tôi mới đổ ngập nước sôi vào ấm tích, đậy nắp ấm, dùng 3 lá trà gấp lại nút vòi ấm và đặt ấm tích vào giỏ mây lót vải để ủ. Trà tươi thật dễ làm và cũng là thức uống dân dã, giản dị nhưng mỗi khi hãm trà như vậy tôi lại cảm thấy như mình đang thực hiện một nghi lễ tự ngàn đời, tự bản thân thấy mình rất nghiêm cẩn như đang thực hiện một nghi lễ linh thiêng dâng trời đất. Nhìn những chén trà tươi có màu xanh óng vàng còn toả hương nghi ngút tôi thấy bao điều lo toan chẳng còn lí do gì ở lại. Tôi là kẻ mộng mơ nên từ bé vẫn luôn mơ sống trong một căn nhà gỗ mộc mạc nho nhỏ bên đồi trà, hàng ngày pha trà và nặn gốm. Có ai mơ cùng tôi không?

Tình ngàn năm vẫn thế

Chỉ có oán hận sầu

Trà ngàn năm vẫn thế

Bát ngát mùi bể dâu

Giải thích từ Nghệ An: Cây chè (không gọi là cây trà) dùng để hãm tươi uống được gọi là nước chè xanh. Lá, thân chè phơi khô đơn giản để nấu nước uống gọi là chè khô. Chỉ có các loại thành phẩm của búp chè (Nghệ An gọi là đọt) được sấy khô hay lên men và làm khô mới được gọi là trà.

Ở Nghệ An, khi đi làm đồng về hay lao động mệt nhọc, người ta thường uống nước chè xanh pha với mật mía. Ngoài Bắc thì uống nước chè xanh pha đường.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam