Hiệu quả từ mô hình trồng tỏi tía Sơn La trên đất đồi

Anh Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1981, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được nhiều người biết đến bởi sự năng động, dám nghĩ, dám làm, biến đất đồi cằn cỗi thành mô hình trồng dâu tây đan xen kết hợp trồng thêm giống tỏi tía Sơn La mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiệu quả từ mô hình trồng tỏi tía Sơn La trên đất đồi - Ảnh 1
Tại khu vực trồng dâu tây của HTX dâu tây Xuân Quế cũng đan xen trồng thêm cây tỏi tía Sơn La cũng là nguồn thu nhập phụ của HTX
Khu vực trồng dâu tây của HTX dâu tây Xuân Quế cũng đan xen trồng thêm cây tỏi tía Sơn La mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị giá tăng, nhằm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây tỏi để từng bước xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, gắn với chế biến - sản xuất tỏi tía, góp phần hình thành chuỗi giá trị, từng bước xây dựng thương hiệu Tỏi tía của tỉnh Sơn La.

Trao đổi với anh Nguyễn Văn Nam, chia sẻ: “Năm 2017, gia đình đầu tư xây dựng trồng mô hình dâu tây và kết hợp đan xen trồng thêm giống tỏi tía. Qua đi thực tế, nhận thấy cây tỏi tía Sơn La rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, hiện nay cây tỏi đang được trồng trên 25 ha và mỗi 1 ha cho thu hoạch được 2,5 tấn củ tươi với giá bán từ 20 - 25 nghìn/kg mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về kỹ thuật chăm sóc cũng rất đơn giản không có gì phức tạp, giống cây được trồng từ tháng 9 - 11 đều trồng được và cho thu hoạch củ từ tháng 2 -3...".

Anh Nam cho biết thêm, thông thường thì giống tỏi tía địa phương trồng trong khoảng 3 tháng thì bắt đầu thu hoạch được. Lúc nhổ củ phải giũ sạch đất, bó thành chùm, treo trên dây ở chỗ thoáng mát để bảo quản. Nếu thu hoạch với số lượng lớn thì phải làm nhà kho ở nơi thoáng mát và dựng giàn nhiều tầng, để tỏi không bị ẩm mốc và tiêu hao.

Để phân biệt giữa tỏi tía với các loại tỏi khác, thì chỉ cần nhìn lá là nhận biết được. Lá của tỏi tía thường dày, cứng, màu lá xanh nhạt, củ chắc và cay hơn tỏi trắng, dọc thân gần củ có màu tía, mỗi củ có 10 -11 nhánh, đường kính củ 3,5 - 4cm...

Hiệu quả từ mô hình sản xuất tỏi tía.
Hiệu quả từ mô hình sản xuất tỏi tía.

Qua thời gian trồng giống tỏi tía, cho thấy giống tỏi tía hoàn toàn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác tại địa phương và có nhiều ưu điểm như tỷ lệ tỏi tía đạt từ 70-80%, giỡ được những đặc tính ưu việt của giống tỏi tía địa phương. Việc triển khai, nhân rộng mô hình trồng tỏi tía an toàn theo chuỗi đã và đang trở thành một hướng đi mới, giúp người dân trồng tỏi nâng cao trình độ canh tác và ý thức trách nhiệm trong việc sản xuất tỏi theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, yên tâm sản xuất, mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng; góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La.

ĐỨC LÂM

Từ khóa: