Để phát triển chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm Bưởi, trong năm 2023, huyện Lương Sơn tập trung tăng cường chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp và trang trại, Hợp tác xã, các hộ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh; sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi ngành hàng, đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi quả.
Đổi mới tư duy từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đơn giá trị sản phẩm sang tích hợp sản phẩm đa giá trị. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã Tổ hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh bưởi tại các vùng trồng tại xã Cao Dương và xã Thanh Sơn để hình thành chuỗi. Hỗ trợ hợp tác xã trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn vùng sản xuất tập trung với các cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản, các hệ thống bán buôn, bán lẻ, các siêu thị, trong và ngoài nước, thông qua hợp đồng tiêu thụ.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất Bưởi Diễn. Mở rộng diện tích được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc từ khâu trồng, chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại, sơ chế, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm bưởi quả; duy trì, quản lý tốt 2 vùng đã được cấp mã số vùng trồng, tiếp tục hỗ trợ thiết lập các vùng trồng có quy mô diện tích từ 10 ha/vùng trở lên đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, truy suất nguồn gốc sản phẩm.
Với việc thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu sản phẩm Bưởi Lương Sơn, huyện Lương Sơn phấn đấu năm 2023, xuất khẩu ít nhất 3 container ra thị trường quốc tế.
Văn Hiếu / VP Tây Bắc